Thưa PGS Bùi Thị Kim Quỳ
Thưa các quý vị đại biểu và các bạn
Hôm nay lại là một ngày hội lớn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngày hội tiếp nhận những di sản của các nhà khoa học được đưa về bảo quản và phát huy giá trị tại Trung tâm. Hai nhân vật chính làm nên ngày hội hôm nay của chúng ta là cố PGS Lê Văn Sáu và PGS Bùi Thị Kim Quỳ.
Khối di sản được tiếp nhận hôm nay có 3 điều đặc biệt:
1/ Một bộ sưu tập lớn với 5000 hiện vật của 2 nhà khoa học từ thành phố Hồ Chí Minh được chuyển về Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Hà Nội.
2/ Một bộ sưu tập của một cặp vợ chồng nhà khoa học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực sử học cũng như nghiên cứu triết học và khoa học nghiên cứu về phụ nữ.
3/ Một bộ sưu tập của một trí thức từ Pháp trở về theo yêu cầu của đất nước sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Từ những đặc điểm này chúng ta có nhiều điều suy nghĩ.
Câu chuyện trao tặng bộ sưu tập di sản của hai nhà khoa học Lê Văn Sáu và Bùi Thị Kim Quỳ hôm nay khẳng định hướng đi của Trung tâm là đúng
Chẳng hạn chuyện sưu tầm và đưa di sản của nhà khoa học từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội là một điều rất đặc biệt, cũng là một thành công lớn, một cố gắng lớn để Trung tâm Di sản có thể mở rộng địa bàn hoạt động và đối tượng của Trung tâm vào phía Nam, vào thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây Trung tâm đã 2, 3 lần tổ chức sưu tầm tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng đây là lần đưa lại kết quả lớn nhất. Chúng ta có thể khẳng định rằng nếu thiếu những bộ sưu tập di sản của các nhà khoa học ở phía Nam và nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh thì câu chuyện về lịch sử phát triển khoa học Việt Nam sẽ không đầy đủ, không toàn diện.
Di sản các nhà khoa học Việt Nam được cấu thành như cái kiềng 3 chân gồm 3 miền Bắc, Trung, Nam mà chúng ta hiện mới chỉ tập trung vào các nhà khoa học ở Hà Nội, tức là mới có một chân kiềng. Di sản của các nhà khoa học cần sao cho có đủ đại diện cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Nhà khoa học làm việc ở mỗi miền có những điều kiện và hoàn cảnh rất riêng. Câu chuyện trao tặng bộ sưu tập di sản của 2 nhà khoa học Lê Văn Sáu và Bùi Thị Kim Quỳ hôm nay khẳng định hướng đi của Trung tâm là đúng và cho chúng ta nhận thức rằng nếu chúng ta biết nhân rộng kinh nghiệm này thì chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng và phát triển nghiên cứu, sưu tầm về lịch sử cuộc đời các nhà khoa học Việt Nam dù họ sống ở đâu.
Nhân đây tôi xin bày tỏ một điều mà tôi luôn băn khoăn, trăn trở. Nhận thức sâu sắc rằng lịch sử phát triển khoa học Việt Nam trong tương lai sẽ được trình bày tại Bảo tàng Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam cần tạo ra một bức tranh toàn cảnh trong đó kể những câu chuyện về các nhà khoa học Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử khác nhau; những nhà khoa học được đào tạo ở miền Bắc, ở các nước XHCN trước kia và cả những người được đào tạo dưới chính quyền Sài Gòn, ở Pháp, Mỹ trong thời kỳ chiến tranh. Cho nên chúng ta không chỉ chú trọng đến di sản của các nhà khoa học do chế độ ta đào tạo mà còn cần chú ý đến cả các nhà khoa học được đào tạo và làm việc dưới chế độ Sài Gòn, rồi cả hai dòng đó cùng hòa hợp, làm việc với nhau sau 1975; trong một tầm nhìn rộng hơn còn bao gồm cả các nhà khoa học người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài hay từ nước ngoài trở về nước làm việc.
Câu chuyện cuộc đời của PGS Lê Văn Sáu chính là một phần của bức tranh toàn cảnh này. Ông tham gia cách mạng tháng Tám ở Sóc Trăng rồi đi Pháp học năm 1946. 10 năm sau, 1956 ông trở về nước xây dựng Khoa Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Rồi 1975 vào Sài Gòn xây dựng Khoa Sử ở Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Những hiện vật của PGS Lê văn Sáu mà chúng ta chứng kiến hôm nay kể chính xác và trung thực những chặng đường của cuộc đời ông.
Một tấm giấy của ông Tạ Bá Tòng chứng nhận ông được Đảng giao nhiệm vụ hoạt động từ trước cách mạng với cương vị một cảnh sát trưởng; một chiếc thẻ thư viện của ông tại Thư viện quốc gia Pháp, một bức ảnh ông tại một hội nghị sinh viên quốc tế khi ở Paris, một tấm hộ chiếu đưa ông về nước qua con đường Liên Xô vào năm 1956; quyết định cử ông vào thành phố Hồ Chí Minh 1975… Những cuốn sổ tay ghi chép về sử học, về những suy nghĩ riêng tư về nghiên cứu lịch sử thật quý giá. Tôi xúc động khi đọc những dòng chữ chia sẻ của ông khi ông không muốn đi dự buổi thảo luận đề cương cuốn Lịch sử Việt Nam hiện đại của GS Nguyễn Khánh Toàn năm 1986 chỉ vì ông không muốn xúc phạm đến tác giả đề cương do quá nhiều sai lầm, thiếu sót trong quan niệm viết sử trong những trang hồi ký hiếm hoi và quý giá của ông.
Rồi cuộc đời ông gắn bó với nhà khoa học Bùi Thị Kim Quỳ, cả hai người cùng trở về góp phần xây dựng nền khoa học xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh sau 1975. Những cuốn sổ tay của PGS Bùi Thị Kim Quỳ vô cùng quý giá ghi lại thời khắc của những buổi giúp các nhà khoa học của chế độ Sài Gòn học tập chính trị và tiếp cận quan điểm nghiên cứu KHXH từ miền Bắc đưa vào; những ghi chép của một trong những nhà khoa học đầu tiên mở đường nghiên cứu khoa học về phụ nữ; những bức thư trao đổi với các nhà khoa học quốc tế đánh dấu thời khởi đầu việc đổi mới, bắt đầu giao lưu, hội nhập quốc tế…
Từ những tư liệu, hiện vật của hai nhà khoa học Lê Văn Sáu, và Bùi Thị Kim Quỳ tôi nhận thấy đây là những câu chuyện rất hay cho một bảo tàng về các nhà khoa học trong tương lai. Nhân đây tôi cũng xin thông báo rằng, được sự giúp đỡ nhiệt tình và hiệu quả của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chúng tôi đã hoàn thành Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, nơi giới thiệu cuộc đời của nhà khoa học Nguyễn Văn Huyên. Bảo tàng này là một thực tế giúp các nhà khoa học nhìn nhận đúng hơn về di sản của mình và hiểu đúng hơn những giá trị của công việc mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang âm thầm nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản tư liệu, hiện vật về lịch sử cuộc đời các nhà khoa học để hợp tác với Trung tâm nhiều hơn nữa.
Rất xin lỗi, tôi đã phát biểu quá dài vì quá xúc động trước một bộ sưu tập lớn mà PGS Bùi Thị Kim Quỳ đã tin cậy trao lại cho Trung tâm lưu giữ.
Xin chân thành cảm ơn PGS Bùi Thị Kim Quỳ và cảm ơn sự có mặt của quý vị trong ngày hội hôm nay của Trung tâm.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy