Tìm lại ký ức qua những kỷ vật

Đó là lời chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Giảng – nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Chế tạo máy, trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong buổi làm việc tại nhà riêng, trong khu tập thể Phương Mai, ngày 18-10-2014.

PGS.TS Nguyễn Giảng sinh ngày 7-10-1932 tại thành phố Hải Phòng. Ông trưởng thành từ khoa Cơ khí, trường Đại học Bách khoa khóa đầu tiên (1956-1959). Sau đó, ông tiếp tục được cử đi học tại trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Matxcơva mang tên Bauman – nhà cách mạng nổi tiếng của Liên Xô. Đến tháng 2-1963, Nguyễn Giảng tốt nghiệp loại ưu và được ở lại chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Trở về nước năm 1966, Nguyễn Giảng được phân công làm cán bộ giảng dạy môn Cơ khí, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho đến khi được cử lên công tác tại Vụ Khoa giáo, Văn phòng Chính phủ (1977).

PGS.TS Nguyễn Giảng đọc lại một bài báo ông viết ngày 7-4-1966

Qua ba buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Giảng thấu hiểu và bày tỏ sự ủng hộ đối với công việc mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang tiến hành. Ông cho biết: “Tôi giữ gìn các tư liệu cá nhân rất cẩn thận và trân trọng. Ngay cả các con, cháu cũng trân trọng các tư liệu đó. Nhưng sau này tôi mất đi, các con không có kiến thức về bảo tàng nên e rằng sẽ khó giữ được…Tôi sẽ dần tìm lại các tư liệu để trao tặng cho Trung tâm lưu giữ. Tôi nhận thấy công việc này rất nhân văn”.

Cũng trong buổi làm việc này, PGS.TS Nguyễn Giảng trao tặng cho Trung tâm 68 tư liệu, hiện vật, ảnh gốc có liên quan đến quá trình học tập và nghiên cứu sinh của ông tại Liên Xô trong những năm 1959-1966.

Đỗ Minh Khôi