Nỗi nhớ nước Nga

Dường như có cơ duyên với nước Nga Xôviết, PGS.TS Nguyễn Hào đã hai lần được học tập trên đất nước vĩ đại này. Đó là thời kỳ ông được cử sang học trường Đại học Sư phạm Lênin (1956 – 1960) và làm nghiên cứu sinh ở trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp từ năm 1970 – 1974. Khi nhớ đến đất nước Nga là ông nhớ về đất nước tuyết trắng, nhớ về cuộc sống và những kỷ niệm với bạn bè, thầy cô. Ông kể: Năm 1956 khi bước chân sang Nga, tôi mới 19 tuổi, còn trẻ con nên các thầy cô coi như con. Tôi học dự bị tiếng Nga hơn một năm nên tiếng Nga còn hạn chế, tôi phải tranh thủ lên thư viện đọc nhiều sách báo, nghe đài để tự học thêm tiếng Nga. Các bạn Nga rất hoà đồng và trải lòng với bạn bè nên chỗ nào không rõ thì nhờ các bạn Nga chỉ giúp. Chính vì vậy mà tiếng Nga của tôi khá dần và hoàn thành chương trình Đại học. Khi tôi làm luận án Phó tiến sĩ, thầy hướng dẫn đã 80 tuổi nhưng vẫn tận tình giúp đỡ. Tôi đã học được tính nghiêm túc, sự nhiệt huyết trong cách làm việc của con người Nga… Năm 2010, hai trong số các thầy cô giáo người Nga dạy tôi ở Đại học Sư phạm Lê nin đã sang Việt Nam và gặp lại các học trò cũ sau hơn 40 năm. Đó cũng là kỷ niệm sâu sắc về đất nước và con người xứ sở Bạch dương mà ông không bao giờ quên. 

PGS.TS Nguyễn Hào (thứ 4 từ trái, hàng 1) cùng sinh viên Việt Nam ở trường Đại học Sư phạm Lê nin, Liên Xô

Tám năm gắn bó với nước Nga, PGS.TS Nguyễn Hào chia sẻ: Cái lạnh Hà Nội làm tôi nhớ đến đất nước và con người Nga đôn hậu, hòa đồng, nhớ đến thời gian tôi sống và học tập tại đó.

Lê Thị Hoài Thu