Dạy hiểu đúng cái Đẹp

Nhìn thẳng sự thật

"Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, đó chính là tinh thần Trần Đình Hượu trong định hướng nghiên cứu và xác định các khả năng tác động của nho giáo trong đời sống tư tưởng-chính trị-xã hội VN hiện đại”, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn – Phó Viện trưởng Viện Văn học nói vậy tại hội thảo khoa học "Nghiên cứu Nho giáo ở VN trong thế kỷ 20”, kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhà giáo, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu.

Theo PGS.TS Biện Minh Điền, đến hiện đại từ truyền thống là một đề xuất quan trọng của Trần Đình Hượu không chỉ đối với việc nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc, mà còn đối với cả việc tìm kiếm một mô hình nhân cách và chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Giáo sư Trần Đình Hượu (bên trái). Ảnh Tư liệu

GS Trần Đình Hượu trong một bài viết có nhận xét về người Việt, "Trong cuộc sống, ý thức về cá nhân không phát triển cao. Của cải vẫn được quan niệm là của chung, giàu sang chỉ là tạm thời, tham lam giành giật cho nhiều cũng không giữ mãi mà hưởng được. Người ta mong ước thái bình, an cư lạc nghiệp để làm ăn no đủ, sống thanh nhàn, thong thả, có đông con nhiều cháu, ước mong về hạnh phúc nói chung là thiết thực, yên phận thủ thường, không mong gì ca xa, khác thường, hơn người. Con người được ưa chuộng là con người hiền lành, tình nghĩa. Không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng.

Ý thức chỗ lạc lối

Theo con đường của cái đẹp, có tính dân tộc để hiểu văn chương quá khứ của dân tộc, GS Trần Đình Hượu đã có những lý giải những bất cập trong giảng dạy văn học ở trường phổ thông của ta, đến nay sau một phần tư thế kỷ vẫn còn nguyên tính thời sự.

"Trong các giờ giảng văn học ta thường quy văn học về chỉ một dạng: viết ra để phản ánh hiện thực, để phê phán, đấu tranh giai cấp trong xã hội… Đi xa hơn nữa ta thường đơn giản hóa việc giảng văn thành phân tích tư tưởng, phân tích chính trị, khuyến khích cả việc liên hệ với đường lối chính sách hiện hành”, GS viết. Với cách giảng dạy như vậy, theo ông, học sinh không được hướng dẫn đúng để tiếp cận, để nếm trải giống như tác giả. Kết quả là học sinh thường dùng cách nhìn văn học hiện đại, văn học thế giới để nhìn văn học cổ cận VN, mà như vậy dễ "lạc lối”.

"Tôi nói như vậy là muốn lưu ý đến một sự phân biệt: Văn học VN là một nền văn học phương Đông, giống văn học Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản mà rất khác văn học phương Tây là nền văn học ngày nay phổ biến trên thế giới… Thiếu sự phân biệt như vậy học sinh mang những công cụ, những cân, những thước xa lạ vào quan trắc một vật thể có chất liệu, kích thước khác hẳn, sẽ bối rối ngán ngẩm trước cảnh tìm kiếm vô vọng một cái không có ở đó… Đã đến lúc chúng ta nên ý thức được chỗ lạc lối, tức là nhìn văn học phương Đông như văn học phương Tây, để tìm ra cách qua văn học dân tộc mà đến đúng cái Đẹp VN, đến đúng với tâm thức VN”, GS viết.

GS cũng lưu ý việc trích giảng Chinh phụ ngâm, Hoa Tiên và Truyện Kiều, việc bỏ Nguyễn Công Trứ và các bài hát nói của ông, việc bỏ qua nhiều áng văn hay đầu thế kỷ 19… làm cho vốn liếng văn học VN thành bằng phẳng nhạt nhẽo.

Tầm ảnh hưởng lớn

Giáo sư Trần Đình Hượu sinh ngày 19-12-1926 tại làng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trong suốt 30 năm nghiên cứu, đào tạo tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1963-1993), nay là trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ông đã cống hiến miệt mài cho sự nghiệp giảng dạy, thực sự là một chuyên gia lĩnh vực tư tưởng phương Đông và Văn học Trung đại VN, đã để lại những công trình nghiên cứu, những trang viết có hàm lượng khoa học cao, mang ý nghĩa định hướng lớn.

Các công trình chính của GS Trần Đình Hượu hầu hết chỉ được tập hợp và xuất bản sau khi ông mất – như Văn học VN giai đoạn giao thời 1900-1930, Nho giáo và văn học VN trung cận đại, Đến hiện đại từ truyền thống, Các bài giảng về tư tưởng phương Đông…

Song những kiến giải của ông, những thuật ngữ mà ông đặt ra, những quan điểm mà ông triển khai đã có ảnh hưởng rất lớn đến học thuật của thế kỷ 20. Các quan điểm đó cho đến tận ngày nay vẫn mang ý nghĩa thời sự, đặc biệt có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ học trò của ông, trong đó nhiều người đã trở thành những tên tuổi nghiên cứu nổi tiếng.

Phương Anh
Nguồn:
www.daidoanket.vn