Tết đầu tiên của những ngày độc lập

Năm 1953, gác lại ước mơ tham gia học lớp báo chí quân đội để phục vụ công tác tuyên truyền cách mạng, tôi khi ấy mới 19 tuổi đang sinh hoạt ở Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong tiến về mặt trận Điện Biên Phủ tham gia chiến đấu phục vụ tổ quốc. Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi, Đoàn thanh niên xung phong trong đó có tôi trở về tập trung đóng quân tại tỉnh Sơn La và nhận nhiệm vụ mới: hành quân lên biên giới Lai Châu mở đường chiến lược (Công trường 111) chuẩn bị cho những nhiệm vụ tiếp theo.

Thanh niên xung phong Nguyễn Hữu Quang, năm 1954

Cuối năm 1954, đang trong thời gian lao động tại Công trường 111, tôi nhận được lệnh của cấp trên điều về Hà Nội nhận công tác mới. Cùng về Hà Nội còn có một số đồng chí ở đơn vị khác. Chia tay đồng đội suốt mấy năm gắn bó, tôi khóc và tặng lại anh Bí thư chi đoàn cây đàn mandolin đã gắn bó với tôi suốt những ngày gian khó ở Điện Biên Phủ, còn anh Bí thư chi đoàn tặng tôi một cái rá đựng cơm, bát tre ăn cơm và chiếc ống tre để đựng nước uống. Tôi và những người được lệnh về Hà Nội đã tập hợp thành một trung đội do anh Hoàng Văn Cừ làm trung đội trưởng. Từ Công trường 111, tôi và anh em trong trung đội bắt đầu hành quân bộ về Hà Nội. Trung đội cử hai người đi trước làm nhiệm vụ tiền trạm, tiếp đó cử thêm hai người nữa mang theo tiền về Hòa Bình mua một con bò làm thịt, vì theo dự tính thì trung đội sẽ đón Tết sớm ở đó rồi mới hành quân về Hà Nội. Sau một cuộc hành quân dài về đến Hòa Bình, anh em trong trung đội đều hồ hởi, mấy ngày đường vượt suối băng rừng giờ mới được nghỉ chân. Những dòng suy nghĩ cứ nhảy nhót trong đầu làm tôi cảm thấy vui hơn bao giờ hết: Vậy là chuẩn bị được đón một cái Tết vui vẻ, cái Tết đầu tiên sau chiến thắng lịch sử Điện Biên. Tết của những người chiến thắng, của những người vừa từ mặt trận trở về. Chắc là mọi người sẽ vui lắm khi được cùng say trong men rượu cần của người Mường và cùng vui trong điệu xòe của người Thái. Trung đội vừa dừng chân tại Hòa Bình thì hai đồng chí đảm nhiệm hậu cần đón chúng tôi với một vẻ mặt lo lắng vì con bò mới mua để chuẩn bị ăn tết đã bị trộm dắt mất. Tôi và anh em trong trung đội ngồi bần thần suy nghĩ một hồi lâu nhưng vẫn quyết định tiếp tục hành quân với hi vọng về đến thủ đô để kịp ăn Tết và dự lễ chào cờ. Đoàn đi mãi mà chưa về đến Hà Nội, ai cũng mệt do phải nhịn đói, may sao trên đường đi gặp được một doanh trại quân đội và xin ở lại nghỉ chân. Hóa ra đây một tiểu đoàn thuộc tỉnh Hòa Bình, sau chiến thắng Điện Biên Phủ được điều về đóng quân ở đây. Tối đó, họ tiếp chúng tôi một cách niềm nở. Một bữa cơm tất niên đầy tình cảm của “những người chiến thắng gặp nhau”, ăn xong trung đội lại tức tốc lên đường hành quân để mong kịp về Hà Nội đón Năm mới.

Hà Nội hiện ra trước mắt tôi như một giấc mơ, vừa lung linh vừa huyền ảo. Những ánh điện lập lòe, những dòng người tấp nập mặc quần áo sặc sỡ dắt tay nhau chào đón mùa xuân. Khác với những người Hà Nội, anh em chúng tôi vẫn nón lá bọc vải dù, đeo ba lô con cóc và cầm cuốc, xẻng… làm nhiều người hiếu kỳ cứ nhìn theo. Các cháu nhỏ chạy theo rồi vỗ tay chào, các cụ già cũng đưa tay chúc mừng. Đúng lúc này, giờ Giao thừa đã điểm, cả bầu trời Hà Nội sáng rực lên bằng những màn pháo hoa rực rỡ. Bên bờ hồ Hoàn Kiếm, mọi người hò reo, vui mừng vây quanh chúng tôi với một niềm hân hoan để đón chào Năm mới. Xuân mới như ngày hội, rộn ràng cờ đỏ rợp trời, mọi người cùng hát ca mừng chiến thắng để đón Tết đầu tiên của những ngày độc lập, của nền hòa bình, của những người nô lệ vượt mình ra khỏi xiềng xích của cách nô lệ. Một cái tết đầu tiên không còn hình bóng quân thù.

Vậy là niềm ước ao được đón Tết độc lập tại thủ đô Hà Nội của tôi đã được thực hiện và niềm vui đó còn được nhân đôi khi về đến Việt Nam học xá tôi biết mình là một trong nhiều người được lựa chọn học tập văn hóa để cử đi học ở nước ngoài. Sau này, khi tốt nghiệp Đại học và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ trở về nước, tôi được giao đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau như: Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp (1978-1990), Bí thư Ban cán sự Đảng ngoài nước (1996 – 2003)… do vậy tôi có vinh dự được đón Tết ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng dấu ấn về lần đầu tiên được đón Tết độc lập ở Hà Nội chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí của tôi.

 

PGS.TS Nguyễn Hữu Quang

(Trích Hồi ký Khát vọng cuộc đời. H- Quân đội, 2011)