Hiệu trưởng mẫu mực
Sinh ra trên quê hương Minh Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình giàu truyền thống cách mạng, năm 1977, vừa tròn 18 tuổi, Phạm Văn Thùy nhập ngũ, sau đó được gửi đi đào tạo tại trường Đại học Công an nhân dân vũ trang (nay là Học viện Biên phòng). Được rèn luyện thử thách ở nhiều cương vị công tác khác nhau, từ một giảng viên, rồi phó trưởng khoa, trưởng khoa quân sự của Học viện Biên phòng, anh đã trải qua thực tế ở nhiều vị trí công tác tại BĐBP các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng.
Năm 2010, Đại tá Phạm Văn Thùy được cấp trên bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Trung cấp 24 BĐBP (gọi tắt là Trường 24). Những ngày đầu nhiệm vụ mới mẻ không ít khó khăn, bỡ ngỡ, cả về kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, nhưng với nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình cùng với sự ham học hỏi cầu tiến bộ, anh chủ động tiếp xúc, trao đổi, tìm hiểu những kiến thức khoa học chuyên ngành từ thực tế và đồng nghiệp để phục vụ cho công tác đào tạo, huấn luyện, chăn nuôi, bảo tồn nguồn gen và phát triển đàn chó nghiệp vụ.
Đại tá Phạm Văn Thùy (thứ ba, từ trái sang) dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam trong chuyến tham quan, khảo sát hệ thống thao trường và chăn nuôi huấn luyện chó nghiệp vụ tại Vương quốc Bỉ
Là người chỉ huy cao nhất của nhà trường, nhưng anh không nề hà bất cứ công việc gì, thậm chí có lúc, anh tự coi mình là học viên của chính những giáo viên dưới quyền để học hỏi nắm bắt những kiến thức mới. Không chỉ vậy, Đại tá Phạm Văn Thùy còn là một tấm gương mẫu mực, luôn hết mình vì công việc, sâu sát, gần gũi, gắn bó với nhiệm vụ xây dựng đơn vị; coi trọng việc phát huy dân chủ ở cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, học viên, chiến sĩ để có những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đúng và sát.
Nhiều năm qua, anh đã cùng với tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quân đội, Bộ Tư lệnh BĐBP, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nhà trường chính quy, vững mạnh toàn diện.
Nhà khoa học "đặc biệt"
Vừa là cán bộ quản lý giáo dục tận tụy, người thầy giỏi, Đại tá Thùy còn là một tấm gương sáng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Trong 4 năm qua, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Khoa học; Hội đồng thẩm định, nghiệm thu giáo trình, tài liệu, Đại tá Phạm Văn Thùy cùng với Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tập trung nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu và trực tiếp có nhiều sáng kiến, giải pháp, công trình nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng toàn diện của nhà trường.
Anh đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia nghiên cứu nhiều đề tài, sáng kiến có giá trị thực tiễn cao trong huấn luyện, đào tạo, chăn nuôi sinh sản đàn chó nghiệp vụ của nhà trường. Đồng thời, anh còn trực tiếp làm Chủ nhiệm đề tài khoa học "Nâng cao chất lượng huấn luyện chó nghiệp vụ phát hiện ma túy của BĐBP" và đề tài "Nghiên cứu nâng cao chất lượng huấn luyện chó nghiệp vụ của BĐBP trong tìm kiếm cứu nạn"…
Huấn luyện viên và chó nghiệp vụ trong buổi luyện tập tại Trường 24.
Hiện nay, anh đang trực tiếp nghiên cứu làm Chủ nhiệm một đề tài khoa học cấp Bộ Quốc phòng: "BĐBP huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, kinh tế-xã hội trong tình hình mới". Đây là một đề tài rất mới, có tính ứng dụng thực tế quan trọng, phục vụ đắc lực cho công tác quốc phòng-an ninh.
Trò chuyện với Đại tá Phạm Văn Thùy, tôi được anh kể về chuyến đi tham quan, nghiên cứu, khảo sát giống chó nghiệp vụ tại Vương quốc Bỉ. Lần đầu tiên, một Đại tá của lực lượng BĐBP dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam được bạn dẫn đi xem thao trường, hệ thống chuồng trại, nuôi nhốt, huấn luyện chó nghiệp vụ.
Sau chuyến đi, về Việt Nam, anh và tập thể cán bộ, giáo viên của Trường 24 đã mất nhiều công sức để nhân các giống chó Bỉ, Đức. Cùng nhà trường, anh đã hướng dẫn lại cho cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên cách phòng ngừa bệnh dịch, điều trị cho chó nghiệp vụ hiệu quả theo cách mà các nước phương Tây đang làm.
Nhưng có lẽ, với một người cán bộ, chỉ huy trách nhiệm, tâm huyết, luôn hết lòng vì sự nghiệp xây dựng đơn vị thì cái "được" lớn nhất đó chính là sự tin yêu, mến phục, lòng kính trọng, yêu quý của cán bộ, chiến sĩ dành cho mình. Nói về Đại tá Phạm Văn Thùy, cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị luôn coi anh "hạt nhân" đoàn kết, xây dựng Đảng bộ trở thành một tập thể đoàn kết thống nhất, trong sạch vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững và phát huy tốt bản chất, truyền thống của Quân đội, của lực lượng BĐBP và nhà trường.
Tận mắt chứng kiến sự "thay da, đổi thịt" của trường Trung cấp 24 BĐBP hiện nay, mới thấy hết những nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nhà trường, trong đó có một phần công lao không nhỏ của Hiệu trưởng Phạm Văn Thùy. Anh đã cùng tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu đề ra những chủ trương mang tính đột phá trong đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, xứng đáng là đơn vị duy nhất của QĐND Việt Nam huấn luyện chó nghiệp vụ, cho ra lò "vũ khí đặc biệt" phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu…
Mai Anh
Nguồn: www.bienphong.com.vn