Từ tháng 9-2014, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã đặt vấn đề nghiên cứu với PGS.TS Lê Đức Niệm. Trong quá trình tiếp xúc và làm việc, ông luôn cùng phu nhân-bà Đinh Thị Bích Ngọc nhiệt tình tiếp chuyện, chia sẻ thông tin và trao tặng Trung tâm một số tư liệu gắn bó với quá trình hoạt động của ông.
PGS Lê Đức Niệm sinh ngày 5-2-1934 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Nghệ An. Từ năm 1945 ông đã thoát ly gia đình theo cách mạng và giữ chức vụ Phó bí thư, Bí thư đội thiếu niên Tiền Phong; Giáo viên bình dân học vụ; Đội trưởng đội thiếu niên… tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Với những thành tích trong kháng chiến, ông được kết nạp Đảng (ngày 9-1-1963) và được cử ra Hà Nội công tác và làm việc ở Điện ảnh Trung ương rồi được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc Điện ảnh Trung ương. Trong một đợt xét tuyển cán bộ xuất sắc đi đào tạo ở nước ngoài, ông được cấp trên cử sang Cộng hòa Dân chủ Đức đào tạo về kỹ thuật Điện ảnh, nhưng với niềm say mê văn học ông quyết định ở lại và trở thành sinh viên khóa I (1957-1959), khoa Văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
PGS Lê Đức Niệm trong buổi làm việc với Trung tâm Di sản
các nhà khoa học Việt Nam, ngày 9-9-2014.
Năm 1959, ông tốt nghiệp và là một trong các sinh viên xuất sắc của khóa I được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Ông được phân công giảng dạy môn Văn học Trung Quốc tại khoa Ngữ văn. Năm 1966, ông học xong chương trình tiến tu sinh, nghiên cứu Đường thi tại Đại học Bắc Kinh và tiếp tục về làm việc tại khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong thời gian công tác, ông và các cán bộ trong tổ bộ môn Văn học nước ngoài đã cùng nhau xây dựng chương trình, biên soạn các bài giảng để giới thiệu cho sinh viên những tác phẩm gắn liền các nền văn học trên thế giới. Ngày nay, sinh viên các thế hệ vẫn truyền tụng nhau về tinh thần, niềm say mê văn chương của PGS Lê Đức Niệm qua các bài giảng về Kinh Thi, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ… Sự nhiệt huyết với thơ Đường cùng tấm lòng vô tư, thương mến học trò của ông đã đi vào trái tim của nhiều thế hệ học trò.
Vĩnh biệt PGS Lê Đức Niệm, một người thầy nhiệt huyết, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xin được chia buồn cùng tang quyến và Khoa Văn học, trường Đại học KHXH&VN.
Nguyễn Thúy Tiềm