GS Phong Lê và vợ là PGS.TS Thanh Vân là hai nhà nghiên cứu, phê bình văn học từng nhiều năm công tác tại Viện Văn học. Điều đặc biệt ở hai ông bà là ý thức lưu giữ lại các tài liệu khoa học của mình. Lúc còn ở trong căn hộ chung cư cũ chật chội trên phố Thái Hà, khắp các phòng nhà của ông bà đều chất đầy tài liệu. Từ trên giá sách đến dưới gầm giường đều xếp những khối tài liệu mà hai ông bà sử dụng trong quá trình nghiên cứu. Đến khi chuyển lên Tây Hồ rộng rãi hơn, cứ nghĩ sẽ có nhiều không gian để lưu giữ những tài liệu quý của mình. Nhưng rồi nhà mới cũng không còn chỗ để lưu trữ một khối tài liệu khổng lồ của hai ông bà.
Nếu ai từng đến ngôi nhà số 32 ngõ 10 phố Võng Thị (quận Tây Hồ, Hà Nội), ngay khi mở cánh cổng đã bắt gặp những tài liệu cũ được chất thành từng bó nằm khô khốc trên giá và được phủ bụi thời gian. Trải qua nhiều mùa mưa nắng, những tài liệu này trở nên giòn, rách, ố. Vào trong nhà, ngay tầng một đã có thêm hai ba giá sách chất đầy những sách cũ và mới. Lên tầng hai thì tài liệu còn nhiều hơn: trên tủ sách, góc tủ, ngăn kéo…, từ các ngóc ngách trong phòng ngủ đến gầm bàn tiếp khách đều chất chứa rất nhiều tài liệu. Đó là những bản thảo công trình, sách, báo, tạp chí, hàng ngàn bức thư, hàng ngàn ảnh tư liệu… Tài liệu rất nhiều và rất ngổn ngang, dù rất quý nhưng gia đình không thể có điều kiện bảo quản tốt được. Nhưng tìm một nơi để tin tưởng, yên tâm giao lại toàn bộ di sản của cả cuộc đời mình là một điều khó khăn, một nỗi niềm trăn trở của ông bà suốt mấy năm qua.
Một góc kho tài liệu bản thảo tại nhà GS Phòng Lê ở Tây Hồ, 6-2015
Biết đến Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam khi mới bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2008, nhưng do bộn bề công việc nên GS Phong Lê chưa thể dành nhiều thời gian làm việc với nghiên cứu viên. Nhưng ông vẫn luôn dõi theo những hoạt động của Trung tâm. Năm 2010, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Bảo tàng Hội Nhà văn đã đặt vấn đề sưu tầm các tài liệu của GS Phong Lê, nhưng ông vẫn chưa hết lo âu về vận mệnh của các tài liệu cuộc đời mình. Ông muốn chọn một địa chỉ phù hợp để lưu trữ những tài liệu này. Sau nhiều thời gian suy nghĩ, ông đã quyết định: địa chỉ đó là Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Như ông chia sẻ: “Hàng ngày nhìn thấy những tài liệu của cả cuộc đời mình lưu giữ nằm ngổn ngang khắp nơi trong nhà, tôi vô cùng lo lắng. Mồ hôi đời mình lắng đọng trong từng trang bản thảo đang bị bụi thời gian phủ lên kia, nhìn mà đau lòng. Nay tôi muốn chuyển giao toàn bộ để Trung tâm lưu giữ vì tôi nhận thấy Trung tâm là nơi thích hợp nhất và tôi tin tưởng PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng như các bạn đang làm việc hăng say ở đây”.