Đó chính là PGS.TS Cao Đình Triều, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội KH&KT Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng. Cuộc đời và sự nghiệp ông chính là minh chứng cho biết bao bài học cuộc sống, chỉ có lòng tin, kiên định mới chiến thắng tất cả. Và hơn hết đối với ông “làm khoa học cũng chính là làm người”.
Có một thời bao nỗi đắng cay
PGS.TS Cao Đình Triều Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng
PGS.TS Cao Đình Triều sinh ngày 6/12/1949 tại xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình rất đông con, có tới 8 anh em. Gia cảnh đã nghèo, cha mẹ lại mất sớm. Thuở đó, mẹ mất lúc ông chưa đầy 6 tuổi, cha thì mất khi mới học lớp 4, cuộc sống càng thêm vất vả. Ông nhớ lại, sau 20 ngày chăm bố ở Bệnh viện, biết không qua khỏi cụ đã đòi trở về nhà. Trước khi qua đời, ông còn dặn dò lại các con rằng, nếu các con không cố gắng thì sẽ không thay đổi được cuộc đời, bản thân mỗi người phải biết tự nỗ lực để vươn lên. Lời cuối cùng của cha cũng chính là điều mà ông hằng tâm niệm.
Người anh cả của ông đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp, vào những năm 1948, 1949 được tiếp quản trường Sĩ quan Lục quân ở Hà Tây nhưng vì gia cảnh nghèo khó, cha ông đã bắt anh về quê để lấy vợ, chăm lo cho gia đình. Và rồi, cuộc sống vất vả, anh đã phải chăm lo cho một đàn em nhỏ, chị dâu lại thường xuyên đau ốm… Nỗi nhọc nhằn ấy không thể nào diễn tả, nhiều khi nghĩ lại ông vẫn cảm thấy thương và biết ơn anh.
Cuộc sống khó khăn, trong khói lửa chiến tranh để có cái ăn đã khó nhưng để học thì còn khó hơn, trường học lại cách nhà chừng hơn 10 km. Lặn lội đi bộ quãng đường dài để đi học, thế nhưng học còn phải theo ca. Vì thường, địch đánh phá quốc lộ 1 và quốc lộ 7, dọc đường Trường Sơn nên các lớp thường chia làm hai: một lớp học từ sáng đến 9h, một lớp học từ 3 – 6h chiều rồi sơ tán về nhà. Vì thế, để đến lớp ông thường dậy từ 4-5h sáng để đi học. Ông còn nhớ, hồi đó, có những sáng dậy không kịp ăn hay không kịp chuẩn bị đồ ăn thế là cả ngày trời đành phải nhịn đói đi học.
Những năm tháng tuổi thơ, nhà nghèo, mồ côi cha mẹ, thế nhưng tình cảm quê hương, ân tình của người dân địa phương phần nào đã khiến mấy anh em vơi đi nỗi buồn thương, tủi cực. Bà con địa phương đã giúp rất nhiều trong quá trình đi học thậm chí có những khi củ sắn, củ khoai cũng khiến ông rơi nước mắt. Để rồi, cho đến giờ ông vẫn cảm thấy ấm lòng với tình người quê hương. Người dân xứ Nghệ thân thương sống với nhau thật lòng thật dạ như thế, ông nhớ bấy giờ, một bà dì vốn là họ hàng xa và cũng bạn của mẹ ông đã giúp cho ông rất nhiều. Để rồi, dù cho đến giờ, dẫu ông chẳng còn nhớ tên bà nhưng công ơn nuôi dưỡng của bà trong những ngày thơ bé ông vẫn khắc ghi trong lòng. Xót xa cảnh đời, cha mất rồi mẹ cũng qua đời, lúc đó bà cũng nghèo, chỉ có một người con nên bà đã dành nhiều công sức chăm sóc và lo lắng cho ông, để giúp ông được đến trường.
Có lẽ, hồi cấp III, nếu không có sự chăm sóc của bà, chắc hẳn ông đã không thể nào theo đuổi con đường, sự nghiệp học tập. Thế nhưng, đau buồn thay, năm ông đang học lớp 10 bà dì thân thương cũng ra đi vì bom Mỹ. Không dừng lại ở đó, những năm ấy chiến tranh đi vào giai đoạn khốc liệt, năm 1967 Giặc Mỹ cũng ném bom tàn phá vào lớp học bên cạnh khiến 4 học sinh thiệt mạng, trường học cũng vì thế mà nghỉ giữa chừng.
Nhóm học sinh Diễn Châu tham gia đội tuyển tỉnh Nghệ An thi học sinh giỏi văn và toán Miền Bắc năm học 1967-1968; PGS.TS. Cao Đình Triều thi toán (đứng phía sau, thứ 2 bên phải). Năm đó 6 thành viên đội tuyển toán Nghệ An đoạt đồng loạt giải nhì. (Ảnh chụp tại Đình Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)
Bom đạn chiến tranh, nhọc nhằn toan lo cuộc sống, nhưng may mắn vì có những người xung quanh, bà con địa phương, không những thế bấy giờ nhà nước cũng có rất nhiều những chính sách để hỗ trợ. Vì thế, bản thân ông vẫn luôn cố gắng để làm sao có thể học tập thật tốt, vươn lên chiến thắng hoàn cảnh, dựng xây cuộc sống và cống hiến cho đất nước cho quê hương. Hồi đó, ông học giỏi toán nên được vào đội tuyển học sinh giỏi của Nghệ An tập trung tại Nam Đàn, luyện thi và đạt giải Nhì toàn miền Bắc. Hồi đó, bà còn nhờ một người thợ may suốt đêm để hoàn thành cho ông một bộ quần áo mới cũng như cho mượn chiếc xe đạp để tập và đi đội tuyển vì hồi ấy, học đội tuyển cách nhà đến gần 100 km, tại xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn. Thậm chí sau lúc học đại học để ra Hà Nội ông còn phải nhảy tàu, đi xe goòng.
Trải qua đoạn đường dài, ông còn nghĩ rằng mình là người may mắn. Đặc biệt, vào thời điểm khốc liệt, cuối năm 1967 đế quốc Mĩ ném bom bi vào làng, ông thoát chết vì phải đi khám sức khoẻ lần 2 để đi học đại học. Với sức khoẻ yếu, khám lại do bệnh viện sơ tán, ngủ nhà bạn khác làng không bị bom. Hôm sau thấy mọi người đưa những người bị thương lên bệnh viện ông mới biết chuyện. Thế rồi, đến năm 1968 được cử đi học ở Liên Xô, bấy giờ trên đường đi học ông lặng cả người khi nghe tin mái trường cấp 3 vừa bị san bằng hoàn toàn bởi trận bom của Đế quốc Mỹ ném xuống.
Xa quê hương và bước đường đến với khoa học
Xa quê bắt đầu một hành trình mới, với ông đó là một niềm hạnh phúc vô bờ, những trang lứa, bè bạn thường đùa nhau rằng “từ chân đất lên chân giày mà bỏ qua giai đoạn đi dép” để ví với những điều kiện thuận lợi của cuộc sống, học tập trên nước bạn. Sáu năm học tập tại Đại học Dầu khí và Hoá học Bacu (Liên Xô cũ) ông không có điều kiện liên hệ với gia đình, bởi lẽ lúc đó viết một lá thư có muốn gửi về cũng thật khó khăn… và viết có khi đến cả năm trời mới tới nơi. Rồi đến năm 1972, khi có một người bạn trở về phép mới có tin tức ở quê nhà, tin tức của anh em, gia đình.
Cô giáo Leili Xanum (Cô luôn coi sinh viên Việt Nam như con của mình) và lớp học tiếng Nga tại trường Đại học Dầu mỏ và Hóa học, Bacu, Liên Xô năm học 1968-1969. PGS. TS Cao Đình Triều (hàng đầu bên phải)
Rồi nỗi buồn xa quê đó rồi cũng vơi đi bởi đam mê học tập và tình cảm quý mến của thầy cô, bè bạn. Trong ký ức của ông, một nữ giáo sư người Nga rất quý học trò, tuần nào bà cũng bắt cậu sinh viên người Việt tới ăn, hỏi thăm chuyện học hành… Có những tuần, cậu không đến bà còn gọi và bắt đến cho bằng được. Hồi ấy, ở trường các giáo sư cũng tham gia giải quyết các đề án thực tiễn, các thầy thường chọn những sinh viên xuất sắc của mình đi theo và năm thứ 2 ông cũng được thầy giáo chọn lựa để đi cùng. Năm 1974, với những hoạt động xuất sắc của mình trong nghiên cứu khoa học (khi đang học năm thứ 4) ông nhận giải Nhì về hoạt động khoa học của sinh viên toàn Liên Xô, trong cuộc thi tìm hiểu về Lê Nin (khi Lê Nin mất) ông đã giành được giải nhất.
Qua những năm tháng học tập, rèn luyện, ông đã tốt nghiệp Đại học Dầu khí và Hoá học Bacu (Liên Xô cũ) loại giỏi chuyên ngành Tìm kiếm thăm dò dầu khí. Mặc dù, nếu đạt loại giỏi sẽ được giữ lại làm thực tập sinh nhưng do chính sách giữa hai chính phủ năm 1974, ông trở về nước và công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam. Từ đó, ông chính thức trở thành nghiên cứu viên, bước đi trên con đường khoa học, con đường mà ông hằng mơ ước, vươn lên để thay đổi cuộc sống.
Năm 1983, khi Thành lập Trung tâm Vật lý địa cầu, đó cũng là lúc ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ, đặc cách bảo vệ trong nước với đề tài Cấu trúc sâu vỏ trái đất, Luận án Tiến sĩ của ông đã giải quyết các vấn đề nghiên cứu phục vụ dự báo sinh khoáng và hoạt động động đất.
Tổng thư ký Đại Hội, Phó chủ tịch Hội Địa chấn Châu Á, PGS.TS Cao Đình Triều phát biểu chào mừng 250 đại biểu đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại hội Hội Địa chấn Châu Á năm 2010 tại Hà Nội
Ông là một nhà khoa học Việt Nam tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học Quốc tế. Đã từng làm việc và có quan hệ chặt chẽ với Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba ở Triest (Italy), Đại học tổng hợp Triest, Đại học Mỏ Kracơ (Ba Lan), Viện Hàn lâm Khoa học Ucrain, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Bang Nga,… Đã từng là Phó chủ tịch Hội Địa chấn Châu Á trong hai nhiệm kỳ liên tiếp (2004-2008 và 2008-2012). Là Tổng thư ký của hai hội nghị Khoa học quốc tế lớn ở Việt Nam: Hội nghị quốc tế IAGA-IASPEI 2001 về Địa từ – Cao không (IAGA) và Địa chấn – Cấu trúc bên trong trái đất (IASPEI). Ông còn nhớ, việc chuẩn bị cho Hội nghị IAGA-IASPEI 2001 thật vất vả và công phu, bởi lẽ lúc đó điều kiện internet ở Việt Nam chưa phát triển, việc tổ chức một hội nghị lớn mang tầm quốc tế đòi hỏi một quá trình vận động lâu dài và rất kỹ lưỡng.
Ngay từ năm 1999, ông đã bắt tay vào việc quảng bá, bắt đầu từ hội nghị IUGG1999 tại Berminham (Anh quốc). Những công việc thường xuyên như đem tài liệu giới thiệu hội nghị tới tay các nhà khoa học. Vốn có năng lực độc lập, quen với những khó khăn, càng khó khăn ông càng không hề nản chí. Năm 2000, lại một mình ông mở ki ốt để triển lãm tại Hội nghị Hội địa vật lý Mỹ ở San Francisco để quảng bá và tuyên truyền cho hội nghị khoa học ở Việt Nam. Thậm chí, để đăng cai hội nghị Việt Nam còn phải cạnh tranh rất nhiều với các nước cũng muốn tổ chức. Ông và các đồng nghiệp đã phải đăng ký, đi vận động và chứng minh khả năng tổ chức, quảng bá các chế độ chính sách ưu tiên, ưu đãi cho người làm khoa học và các chính sách cho khoa học kỹ thuật phát triển. Thế rồi, với những nỗ lực của bản thân và các đồng nghiệp hội nghị đã thành công rực rỡ, đã có trên 1.000 đại biểu đến từ 60 nước trên thế giới tham dự. Đây cũng được xem là hội nghị lớn nhất về khoa học Vật lý địa cầu từ trước đến nay và hội nghị càng long trọng hơn khi được chính Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đọc diễn văn khai mạc.
Gian trưng bày, quảng cáo cho Hội nghị KH liên kết Tổng Hội quốc tế về Địa từ – Cao không và Địa chấn – Cấu trúc bên trong Trái đất (năm 2001 tại Hà Nội) của PGS.TS. Cao Đình Triều (Tổng thư ký Hội nghị) tại Hội nghị toàn thể Hội Địa vật lý thăm dò Mỹ, San Francisco năm 2000.
PGS. TS. Cao Đình Triều đang thuyết trình về động đất và biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại tại Tp. Vinh (Nghệ An)ngày 25 tháng 12 năm 2012
Năm 2007 ông được mời tham gia nhóm Hội đồng khoa học khu vực Châu Á Thái Bình Dương về thiên tai (Hội đồng gồm 8 thành viên do chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Malaysia làm chủ tịch), biên soạn tài liệu về định hướng nghiên cứu thảm họa và thiên tai. Các vấn đề về Lũ lụt, Trượt – lở đất, Động đất – Sóng thần và vấn đề Các đảo nhỏ trong điều kiện biến đổi khí hậu được đặc biệt quan tâm. Ông và GS. Gupta (người Ấn Độ) chịu trách nhiệm về mảng động đất – sóng thần.
Trong ký ức cuộc sống, bài học cuộc đời, bài học về sự nghiệp mà ông học được từ thầy cô bè bạn còn mãi trong ông. Ông còn nhớ để học sinh có tư duy logic, các thầy giáo thường bắt học trò khi thức dậy mỗi sáng đều phải nhìn vào dấu chấm ở bức tường đối diện, rèn luyện tính tập trung vào công việc, thậm chí phải tập trung hết tinh thần để rèn luyện ý chí. Không những thế, làm việc gì ông cũng chuẩn bị trước trong đầu, suy nghĩ cân nhắc, thậm chí trong những lúc nghỉ, những lúc thư giãn… để rồi khi ngồi vào bàn phải làm việc là có thể triển khai được ngay vì muốn đặt đề tài, đặt tên hay viết về vấn đề gì cũng phải có thời gian chuẩn bị, nếu ngồi vào bàn mới nghĩ thì sẽ mất rất nhiều thời gian.
Nhóm Hội đồng KH họp tại Kua Lumpur,hoạch định phương hướng, nhiệm vụ nghiên cứu tai biến và thảm họa khu vực Châu Á Thái Bình Dương, PGS.TS. Cao Đình Triều là 1 trong 8 ủy viên (đầu tiên bên trái).
Ngoài tư cách nhà khoa học có óc tổ chức, ông còn là một người thầy chăm lo hoạt động giảng dạy. Với vai trò giảng viên kiêm nhiệm trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội từ năm 1999, ông đã giảng dạy và hướng dẫn cho nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh… Không những thế, ông còn tích cực nghiên cứu và giới thiệu những công trình của mình trên nhiều sách báo trong và ngoài nước. Với 149 bài báo khoa học, 17 cuốn sách do ông biên soạn, chủ biên và đồng tác giả về đề tài cấu trúc bên trong Trái đất, địa động lực, kiến tạo, động đất, các giáo trình đại học và trên đại học và các sách giáo dục cộng đồng là thành quả và niềm tự hào của nhà khoa học chân chính. Trong đó có thể kể đến nhiều cuốn sách có giá trị to lớn hiện đã và đang là tài liệu tham khảo có giá trị khoa học như: Kiến tạo đứt gãy lãnh thổ Việt Nam, NXB Khoa học và kỹ thuật 2002, giới thiệu về phương pháp nghiên cứu, phân loại đứt gãy theo tuổi và cơ chế hình thành; Trường địa vật lý và cấu trúc thạch quyển lãnh thổ Việt Nam, NXB Khoa học và kỹ thuật 2005, khái quát về phương pháp luận và những kết quả đạt được của tác giả về định hướng nghiên cứu cấu trúc thạch quyển lãnh thổ Việt Nam trên cơ sở phân tích tài liệu địa vật lý; Tai biến động đất ở Việt Nam, NXB Khoa học và kỹ thuật 2010, cuốn sách được biên tập nhằm giới thiệu phương pháp luận nghiên cứu động đất và thành tựu đạt được của tác giả về đặc trưng hoạt động động đất ở Việt Nam; Tai biến động đất và biện pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại, NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 2012, là cuốn sách phổ cập phổ thông phục vụ giáo dục cộng đồng, các khái niệm, các biện pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại và chung sống với động đất, sóng thần được đề cập trong cuốn sách; Địa động lực hiện đại lãnh thổ Việt Nam, NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 2013, đây là cơ sở phương pháp luận nghiên cứu, thành lập bản đồ địa động lực hiện đại và những kết quả mới nhất đạt được ở Đông Nam Á và Việt Nam.
Gia đình của PGS.TS. Cao Đình Triều (Vợ, Họa sỹ Lê Thị Kim Chi; TS. Toán ứng dụng Cao Đình Trọng; ThS. Kinh tế, Cao Lê Thu Trang – ảnh chụp năm 2012)
Có lẽ, trên con đường nghiên cứu khoa học, giảng dạy và đào tạo, PGS.TS Cao Đình Triều đã đối mặt không ít những khó khăn, thế nhưng đôi khi với ông đó lại là hạnh phúc. Ông cho rằng, một nhà khoa học say mê và có niềm tin vào hướng nghiên cứu, dù khó khăn nhưng sẽ có được thành quả. Không những thế, trong cuộc đời mình, ông luôn nghĩ những gì gian khổ nhất đã qua đi, điều quan trọng của con người là luôn nhìn về phía trước.
Nguồn: www.iag126.vn/