Anh thuộc thế hệ sinh viên văn học đầu tiên của nước Việt Nam kháng chiến (thời dự bị đại học ở Thanh Hóa, năm 1950, anh được học cùng các GS Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh…). Và khi hòa bình lập lại năm 1954, anh là một trong những cột trụ đầu tiên của Khoa Nghiên cứu văn học cổ, Trường đại học Sư phạm Hà Nội; phụ trách Tổ Cổ đại – Cận đại ở Viện Văn học vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Anh là một trong những người góp phần tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du (năm 1965); cùng cụ Nguyễn Đức Vân, một bậc trúc nho, hoàn thành bản Truyện Kiều qua khảo sát các bản Nôm có giá trị.
Anh Nguyễn Văn Hoàn là một nhà nghiên cứu, một nhà giáo mẫu mực. Anh làm hồ sơ, làm tư liệu nghiên cứu rất kỹ, có tư liệu nghiên cứu cả ở nước ngoài (tư liệu anh để lại mấy chục hòm). Thời đó, anh có mối liên hệ quốc tế với các nhà nghiên cứu Nga, Pháp, Trung Quốc và các Việt kiều… Đặc biệt, chuyến đi Bắc Kinh (Trung Quốc) tìm tư liệu về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du của anh đã đem về cho chúng ta những tư liệu quý giá. Đó là hồ sơ, văn thư về chuyến đi sứ vào năm 1813 của Nguyễn Du ở Trung Quốc; hành trình, công việc, văn bản… còn ghi chép, còn lưu trữ ở “Thạch thất” của Hoàng thành Bắc Kinh. Nhờ đó, chúng ta biết thêm về Nguyễn Du, nhất là về Bắc hành tạp lục, tập thơ gồm những kiệt tác của Nguyễn Du. Những ý kiến của những nhà nghiên cứu Trung Quốc về Nguyễn Du qua trao đổi với anh, chẳng hạn về bài Dương phi cố lý hay Độc Tiểu Thanh ký… thì không nhất thiết Nguyễn Du phải đến tận nơi mới làm thơ!
Gần đây, các bạn ở Đại học Bắc Kinh lại mời anh Nguyễn Văn Hoàn sang làm việc lần nữa. “Cố nhân”, “lão bằng hữu” (bạn cũ) mà!
Chuyến đi sau 50 năm. Anh đã giảng, nói chuyện về Nguyễn Du ở Đại học Bắc Kinh, ở Đại học Quảng Tây… và sau chuyến đi định mệnh mà anh cố thực hiện đó, anh đã mãi ra đi. Anh Nguyễn Văn Hoàn để lại nhiều công trình nghiên cứu giá trị về văn học cổ Việt Nam. Anh cũng là người nghiên cứu văn học I-tali-a, dịch Thần khúc của Đan-tê. Có thể nói về anh rất nhiều điều, nhưng rốt ráo, đó là một gương mặt tiêu biểu, một con người suốt đời say mê công việc, một người anh, một người cố vấn, một người bạn tốt… Mất anh, buồn và trống vắng biết bao nhiêu!
Tôi đã làm việc dưới quyền anh Nguyễn Văn Hoàn từ thời mới ra trường và mấy năm gần đây, anh cộng tác hết sức nhiệt tình và hiệu quả với Hồn Việt và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học… Tình nghĩa anh em, tình thương mến, lòng kính trọng anh… dào lên khi nghe tin anh đột ngột ra đi. Tôi không bao giờ quên giọng anh nghẹn ngào, thảng thốt báo tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần: “Anh Văn mất rồi!”. Tôi không bao giờ quên anh, gia đình thầy Đặng Thai Mai mà anh là một người rể hiền… Không bao giờ quên những tháng năm anh hướng dẫn chúng tôi đi vào khu IV bằng xe đạp để thăm quê Tiên Điền của Nguyễn Du và thăm các trận địa pháo…
“Trăm năm chớp mắt có là bao” (Nguyễn Du, Thơ chữ Hán) , nhưng anh đã cống hiến, đã làm việc hết mình cho văn hóa dân tộc.
Nguyễn Văn Hoàn PGS Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, sinh năm 1932, mất 17-6-2015. Lễ tang cử hành vào ngày 22-6- 2015, an táng tại nghĩa trang gia đình (Phú Thọ).