Đã đến lúc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bước sang giai đoạn mới

Ngoài việc nhìn nhận lại toàn bộ công việc nửa đầu năm 2015, đây còn là buổi sinh hoạt chuyên môn rất bổ ích với lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên trong Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Những công việc mà Trung tâm đã làm được thời gian qua tiếp tục củng cố niềm tin của các nhà khoa học đối với Trung tâm như: tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học về hành trình đến với Trung tâm của GS Văn Tạo; tiếp nhận nhiều khối tư liệu lớn từ các nhà khoa học như GS Hà Minh Đức, cố GS Phạm Đức Dương, GS Nguyễn Tài Lương, GS Lê Đức An…, đặc biệt là trong chuyến công tác thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn lại thành quả suốt từ ngày thành lập cho đến nay, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhận định: Với hơn 700 nhà khoa học đã có tư liệu tại Trung tâm, đã đến lúc chúng ta bước sang giai đoạn mới – tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức trưng bày để nhanh chóng nhân rộng thêm uy tín của Trung tâm. Muốn làm được điều này, ngay từ bây giờ, các cán bộ Trung tâm cần soát xét lại tất cả mọi tư liệu hiện vật và các sản phẩm nghiên cứu, xây dựng nội dung chuyên đề trưng bày, lên kế hoạch cụ thể để khi có đầy đủ điều kiện thì mọi sự phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học, sẵn sàng cho trưng bày phục vụ khách tham quan.

"Để chuẩn bị cho tương lai trên Dự án Hòa Bình, chúng ta cần xây dựng và chuẩn bị các chuyên đề trưng bày rất công phu, kĩ lưỡng. Vừa làm, chúng ta vừa bổ sung, hoàn thiện" – PGS.TS Nguyễn Văn Huy

Ông cũng khẳng định công tác nghiên cứu sưu tầm là hoạt động nòng cốt của Trung tâm, vì vậy các nghiên cứu viên cần tự giác, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức của người nghiên cứu, nghiêm túc thực hiện các quy định; đồng thời tích cực tự học, tự đào tạo và tăng cường các sinh hoạt chuyên môn, xây dựng môi trường học thuật để nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc.

Qua buổi trao đổi chuyên môn này, các cán bộ Trung tâm nhận thấy rõ hơn trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trong thời gian tới và cần cố gắng nhiều hơn nữa.

Lưu Thị Thúy