Những ai từng làm việc, tiếp xúc với Giáo sư Vũ Đức Phúc, đều không quên được hình ảnh một người trường lực, tác phong giản dị, xuề xòa, lúc nào cũng như đang tập trung công việc, vội vã trên chiếc xe đạp cà tàng. Ông bắt đầu hoạt động cách mạng từ năm 19 tuổi, tham gia Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở xã Ngọc Thụy, Bắc Ninh cũ, nay thuộc Gia Lâm (Hà Nội); từng là Chủ tịch Ủy ban Hành chính và Ủy ban Kháng chiến xã Ngọc Thụy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Võ Giàng, rồi Tỉnh ủy viên, Trưởng Ty Tuyên truyền tỉnh Bắc Ninh. Năm 1959, ông về công tác tại Viện Văn học và từ năm 1969 trở đi, ông là Phó Viện trưởng kiêm Phó Tổng biên tập rồi Tổng Biên tập Tạp chí Văn học cho đến khi nghỉ chế độ (1988).
Có bằng Tú tài Pháp và bằng Triết học văn chương, Vũ Đức Phúc là một tấm gương về sự học. Ông vốn là một chuyên gia về văn học Pháp thế kỷ ánh sáng, là dịch giả của các tác phẩm văn học như: La Phông-ten: Thơ ngụ ngôn; Vôn-te: Tuyển tập truyện, Quan thanh tra, Chỉ tại hắn si tình, là tác giả của truyện danh nhân Đi-đơ-rô. Nhưng là một cán bộ hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tuyên giáo, để phù hợp công việc mà Đảng giao phó, ông dần chuyển sang học và chuyên sâu về văn học Việt Nam, về phương pháp luận nghiên cứu. Ông là nhà văn sớm có một cái nhìn khái quát về văn lịch sử văn học (Sơ thảo lịch sử văn học 1930-1945), có tổng kết về sự vận động và phát triển của văn học dân tộc trong một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn (Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn học Việt Nam hiện đại, Trên mặt trận văn học, Bàn về văn học) và cũng là nhà văn sớm có công trình riêng Bàn về phương pháp nghiên cứu văn học.
Trong danh mục những công trình tập thể mà ông tham gia, chúng ta thấy ông đi sâu vào văn học Việt Nam từ thời trung đại đến văn học giai đoạn 1930 – 1945, văn học kháng chiến chống thực dân Pháp và văn học kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó đặc sắc nhất phải kể đến những công trình gắn với việc nghiên cứu lý luận văn nghệ của Đảng.
Đây cũng là nơi bộc lộ rõ nhất kiến thức cũng như bản lĩnh của ông. Vốn là một cán bộ hoạt động cách mạng từ cuối những năm ba mươi, lại làm công tác tuyên huấn nhiều năm, ông luôn gắn và coi hoạt động văn học như một nhiệm vụ chính trị của Đảng. Với ông, văn học và chính trị có quan hệ chặt chẽ và tính Đảng có vai trò quan trọng trong nghiên cứu, phê bình văn học.
Ngày tôi mới về cơ quan nhận công tác, ông bảo tôi làm một danh sách những tác phẩm tiêu biểu từ năm 1930 và sau khi kiểm tra lại, ông khuyên tôi, muốn trở thành cán bộ nghiên cứu, nhất thiết phải đọc hết các tác phẩm này. Ông bảo rằng, trường đại học chỉ mới khai mở kiến thức và phương pháp, muốn trưởng thành phải tiếp tục nỗ lực tự học. Viện Văn học là lò đào tạo nghiên cứu sinh từ rất sớm; ông là người đầu tiên trong Viện hướng dẫn và có lứa nghiên cứu sinh bảo vệ luận án phó tiến sĩ đầu tiên. Là những người thuộc các chuyên ngành khác nhau (văn học trung đại, văn học 1930-1945, văn học dân gian và văn học Pháp), những học trò đó của ông không lâu sau đều trở thành phó giáo sư, thành những chuyên gia đáng tin cậy. Ông trở thành địa chỉ, là chỗ đi về cho những người hiếu học, biết cầu thị. Nhiều cán bộ trong Viện Văn học lứa chúng tôi đều không quên nét bút biên tập của ông trên những bài viết buổi đầu của mình khi mới bước chân vào nghề cũng như sự động viên khích lệ của ông trong công việc nghiên cứu. Ông làm việc với tinh thần trách nhiệm cao của một người phụ trách chuyên môn, như ông luôn bảo vệ quan điểm của Đảng với một tinh thần vô tư, trong sáng. Đó là điều mà thời gian đã làm sáng rõ. Một vài người trước đây bất đồng, căng thẳng với ông đã dần hiểu ra bản chất trung thực, thẳng thắn nơi ông mà coi ông như người thân thiết, tin cậy.
Con người trung thực với chính mình, trung thực với Đảng ấy cũng là người thủ trưởng hay quan tâm đến nhân viên; không những động viên khích lệ trong công việc chuyên môn mà cả trong cuộc sống hằng ngày; không chỉ đối với cán bộ nghiên cứu mà cả đối với nhân viên phục vụ. Ông về hưu đã hai mươi bảy năm, cũng là hai mươi bảy năm vợ ông mất. Từ bấy đến nay, căn nhà ông bên Gia Lâm vẫn là nơi gặp gỡ của rất nhiều những thế hệ cán bộ nghiên cứu yêu quý ông vào ngày giỗ người vợ hiền tần tảo nuôi đàn con khôn lớn trưởng thành, cho ông tập trung thời gian vào công việc. Ông bảo, vẫn đọc đều và viết. Nhìn ông mỗi năm một yếu dần, trong lòng chúng tôi không khỏi xót thương. Chúng tôi cũng dần trở thành người cao niên, đi lại có phần khó khăn. Chờ đến tháng tám này, theo thường lệ chúng tôi sẽ lại sang thăm, chơi với ông. Rồi cuối năm nay, Viện Văn học dự định sẽ làm lễ mừng thọ ông 95 tuổi. Không ngờ, ông đã ra đi: không đột ngột mà lại thành đột ngột…
Giáo sư Vũ Đức Phúc là người có kiến văn rộng, một người lãnh đạo đã góp phần chủ yếu đào tạo nên một thế hệ vàng cho Viện Văn học trong vài ba thập niên cuối thế kỷ trước. Sự ra đi của ông đã để lại nỗi thương tiếc khôn nguôi, đặc biệt trong lòng các thế hệ học trò ở Viện Văn học.
Lễ tang Giáo sư Vũ Đức Phúc (1920 – 2015), nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cán bộ lão thành cách mạng, sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, từ 7 giờ đến 9 giờ sáng 4-8-2015. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ, an táng tại Nghĩa trang phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội.
Tôn Phương Lan
Nguồn:www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/27051702-thuong-tiec-giao-su-vu-duc-phuc.html