Ý tưởng từ tấm lòng ghi nhớ ơn Thầy
Tốt nghiệp bác sĩ nội trú năm 1985, bác sĩ trẻ Nguyễn Anh Trí được về công tác tại một bệnh viện lớn giữa Thủ đô Hà Nội. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng cùng những yêu cầu nghiêm ngặt của nghề thầy thuốc, Nguyễn Anh Trí đã không ngừng nỗ lực học hỏi, chuyên tâm với nghề. Tiếp tục miệt mài đèn sách cùng thực tiễn lâm sàng trong các bệnh viện với quyết tâm tự nghiên cứu, trau dồi, và trên cơ sở đề tài bác sĩ nội trú của mình, ông đã phát triển, xây dựng đề tài “Đặc điểm lâm sàng và huyết học của quá trình chuyển thành Lơxêmi cấp sau một số bệnh cơ quan tạo máu ở người lớn tuổi”. Được cho phép bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ theo chế độ đặc cách, bác sĩ Nguyễn Anh Trí đã tập trung bổ sung, sửa chữa đề tài và chỉ sau 5 tháng (tính từ ngày bảo vệ đề cương chi tiết) ông đã hoàn tất luận án Phó Tiến sỹ y học. Tháng 6-1993 bác sĩ Nguyễn Anh Trí đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ chuyên ngành Huyết học – Truyền máu, tại Học viện Quân y. Nhiều đồng nghiệp thán phục về thời gian làm luận án của ông, song như ông cho biết, đó là kết quả của 7 năm ông cố gắng, nỗ lực chuẩn bị.
Một ý tưởng táo bạo, đầy ân tình nảy sinh khi Nguyễn Anh Trí tiến hành các thủ tục để chuẩn bị cho việc bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ. Đó là khoảng thời gian cuối năm 1992 đầu 1993, GS Nguyễn Anh Trí nhớ lại: “Khi nhận lại các bản thảo luận án, mà trong đó đã được các thầy chỉnh sửa “khá thẳng tay”, thấy bút phê của thầy GS Phạm Khuê, GS.TS Đào Văn Chinh, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, và cô PGS.TS Nguyễn Thị Minh An…, mỗi người một phong cách, tôi vô cùng cảm động. Dù hầu hết là góp ý “chê”, nhưng tôi rất muốn lưu giữ lại được những điều chỉ dạy đó làm kỷ niệm của đời mình. Nhưng làm thế nào để lưu giữ được thật lâu? Đó là câu hỏi luôn lặp lại trong tâm trí tôi và rồi cứ lớn dần thành một ý tưởng là: Phải tạo dựng được một cơ sở để lưu giữ những bản luận án, những kỷ vật của các thầy, các nhà khoa học. Và cũng từ đó tôi tự nhủ với bản thân, khi có điều kiện, dứt khoát phải thực hiện mong muốn đó”[1]. Ý tưởng đó, quyết tâm đó cứ nung nấu mãi trong lòng ông.
GS. TS Nguyễn Anh Trí, 4-2015
Nhớ lại thời kỳ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nền kinh tế nước ta khi đó đang từng bước khai mở để đổi mới, đời sống nhân dân nói chung, cán bộ nhân viên nói riêng gặp không ít khó khăn với đồng lương, thu nhập ít ỏi. Cũng vào thời điểm này (12-1994) PTS Nguyễn Anh Trí trở về nước sau một khóa học về công nghệ y tế tại Nhật Bản. Biết được điều này, lại biết ông có thể sử dụng được cả tiếng Anh và tiếng Nhật nên một số đơn vị y tế và thương mại đã mời chào ông hợp tác làm việc. Với những lời mời rất chân thành của KS Nguyễn Thế Hùng là Tổng giám đốc của Công ty MEDTECH, khi đó đang có một Phòng khám tại Cầu Giấy, PTS Nguyễn Anh Trí đã quyết định nhận lời hợp tác với Phòng khám đa khoa này để tổ chức một phòng xét nghiệm. GS Nguyễn Anh Trí tâm sự, đó là một quyết định mang 2 mục tiêu rõ ràng: thứ nhất, tạo được việc làm, giúp đỡ bạn bè chống đỡ với khó khăn (lúc này một số những người bạn, người quen, đồng nghiệp của ông vẫn còn đang gặp khó khăn, họ chỉ ước ao có một công việc với thu nhập khoảng 300.000đ/tháng); thứ hai, ông có “đất” để áp dụng những kiến thức về công nghệ cao, về quản lý chuyên ngành mà ông đã tiếp thu được từ một nước tiên tiến. Tuy nhiên cũng cần nói rõ rằng, đó là sự hợp tác làm việc ngoài giờ – một hình thức để nâng cao thu nhập thời bấy giờ của nhiều cán bộ, công nhân viên Nhà nước.
Và rồi, sau khi tiếp quản Phòng xét nghiệm của MEDTECH với 3 nhân viên và trang thiết bị sơ sài, PTS Nguyễn Anh Trí, ngoài giờ làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị, đã cùng các cộng sự tâm huyết hăm hở cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, đồng thời ngay từ thời điểm đó ông đã mạnh dạn triển khai dịch vụ lấy bệnh phẩm tại nhà – một dịch vụ còn rất xa lạ ở nước ta. Với quyết tâm, tri thức cùng tầm nhìn xa trông rộng, ông cùng đồng nghiệp thu được thành công bước đầu. Từ doanh thu 8 triệu đồng/tháng, đến năm 2000, Phòng Xét nghiệm lâm sàng tổng hợp đã có doanh thu trên ba trăm triệu đồng mỗi tháng.
GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ: Đến năm 1999, khi chúng tôi đã có chút ít điều kiện về tài chính, một lần (cũng là lần đầu tiên) tôi thổ lộ ý tưởng xây dựng một “Trung tâm lưu trữ các luận án của các nhà khoa học” với một đồng nghiệp cùng chuyên khoa và cũng là người đã đồng hành cùng tôi từ những ngày đầu gian khó của Phòng xét nghiệm, đó là cử nhân Trần Văn Tính. Được anh Tính ủng hộ nhiệt thành, tôi thêm quyết tâm theo đuổi ý tưởng của mình. Công việc của Phòng xét nghiệm những năm tiếp theo ngày càng đi vào ổn định và phát triển, theo đó là doanh thu tăng. Sau sự ủng hộ, tán đồng của đồng nghiệp Trần Văn Tính, ông lại càng thêm vững niềm tin khi được người bạn đời – bà Võ Thị Ngọc Lan, cũng là một thành viên chủ chốt của Phòng xét nghiệm, hết sức đồng lòng cùng ông thực hiện ý tưởng thành lập một Trung tâm lưu trữ khoa học. Còn cậu con trai Nguyễn Trí Anh (lúc đó mới 12 tuổi), khi biết được chuyện này thì chỉ cười và bảo “Tùy ba mẹ thôi!”. Năm 2002, một nhóm cán bộ y tế của Phòng xét nghiệm lâm sàng tổng hợp, bệnh viện đa khoa Tràng An thuộc Công ty MEDTECH đã đứng ra thành lập Công ty MEDLATEC (sau khi họ đã tổ chức cho MEDTECH một labo hoạt động thật tốt và ổn định).
Rồi đến năm 2003, khi điều kiện kinh tế của MEDLATEC cho phép, PGS.TS Nguyễn Anh Trí cùng những cộng sự tâm phúc đã quyết định thành lập một Trung tâm có chức năng lưu trữ, bảo tồn tài liệu khoa học, bắt đầu từ những bản luận án tiến sĩ. Có thể nói, đó là một quyết định quá táo bạo, bởi khi đó cũng chưa định hình được một cách thấu đáo về hoạt động của trung tâm. Nhưng với tầm nhìn tương lai, GS Nguyễn Anh Trí rất tin tưởng vào sự thành công của trung tâm văn hóa – khoa học này, bởi nó được hình thành từ tấm lòng tri ân đối với các bậc tiền bối, những người thầy đáng kính, cùng với mục tiêu cốt lõi là vì khoa học, như vậy tự thân dự án này đã mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Cơ duyên và may mắn
Câu chuyện về hành trình tìm địa điểm xây dựng Trung tâm cũng hết sức thú vị, chứa đựng niềm tin vào những điều tốt lành, trong sáng. Với vai trò là người khởi xướng ý tưởng, nên GS Nguyễn Anh Trí luôn tâm niệm phải quyết tâm bắt tay vào việc thực hiện ý tưởng đó. Bởi vậy trong những chuyến công tác địa phương, như Thái Bình, Phú Thọ, rồi các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, kể cả Quảng Bình quê hương ông, GS Trí đều quan tâm tìm hiểu các điều kiện về đất đai, con người, những ưu thế về địa hình, văn hóa… để có thể xây dựng Trung tâm lưu trữ. Nhưng rồi, trong chuyến công tác (chính là lần đầu tiên) đến với tỉnh Hòa Bình vào năm 2004 để tổ chức tập huấn về truyền máu và bệnh lý huyết học, thì như một cơ duyên, ông đã chọn tỉnh này để tìm kiếm địa điểm xây dựng Trung tâm. GS Nguyễn Anh Trí nhớ lại: “Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hòa Bình dành một buổi chiều đưa đoàn công tác chúng tôi đi tham quan một số nơi của Hòa Bình, rất tự nhiên tôi thấy có cảm tình với vùng đất này và trong đầu phác ra một quyết định rất nhanh rằng đây sẽ là nơi phù hợp xây dựng một quần thể công viên văn hóa – trung tâm lưu trữ khoa học”[2]. Tin vào cảm nhận của mình, với tư cách là người chủ xướng ý tưởng, GS Trí đã nhờ BS Ngô Huy Minh (lúc đó là Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình), thông qua ông bố là cụ Ngô Huy Túc – nguyên là một cán bộ tỉnh và là người thông thổ ở địa phương, giúp tìm một khu đất với yêu cầu địa hình vừa bằng phẳng, vừa có sông núi và cảnh quan thiên nhiên. Biết được ý định lành mạnh “không phải để buôn bán đất cát”, nên bác Túc đã rất nhiệt tình thăm dò và tìm được 5 điểm để giới thiệu theo yêu cầu của GS Trí.
Ngay sau khi bác Túc thông báo “đã tìm được mấy địa điểm, xin mời các cháu lên tìm hiểu thực tế và lựa chọn!”, một đoàn các thành viên có trách nhiệm đã lên thị sát Hòa Bình. “Chúng tôi theo anh Minh đến điểm đầu tiên – khu đất của gia đình anh Nguyễn Quốc Ái, thuộc xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, sau khi xem một lượt tôi đã quyết ngay chọn địa điểm này, không cần xem đến điểm thứ hai”[3] – GS Trí kể lại đầy tự tin.
Đứng trên thửa đất (với chỉ 2,7 ha) vừa quyết định sẽ mua, ngắm vùng đồi núi bên kia con suối, GS Trí bật ra ý tưởng: có lẽ phải đề xuất với địa phương xin vùng đất bên kia suối làm Dự án Công viên khoa học.Tất cả các cán bộ trong Công ty MEDLATEC đã tập trung thực hiện ý tưởng đó. Rồi, ngày 24-4-2008, thể theo bản kiến nghị xin đất làm dự án của Công ty MEDLATEC, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã phê chuẩn, đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án xây dựng Công viên các nhà khoa học tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình với diện tích 20ha, đồng thời mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội, có trụ sở tại nhà 20c, ngõ 76 phố An Dương, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội[4].
Nhìn lại những bước đi trên con đường thực hiện ý tưởng xây dựng một trung tâm văn hóa – khoa học, GS Trí thực sự mãn nguyện vì ông cho rằng cơ duyên đã đến với ông, bởi mọi việc tiếp theo diễn ra rất thuận lợi, nhiều may mắn nữa. Như khi tìm hiểu sâu về địa phương này, niềm tin trong ông về cơ duyên càng được củng cố. Đất Cao Phong vốn là vùng đất linh thiêng, theo cụ Bùi Văn Ổng – là người Mường cao niên nhất đã sống tại địa phương này – cho biết: nơi đây có Gò Thờ, là một gò đất linh thiêng, trước đây có nhà thờ nhỏ, mà tất cả người Mường ở địa phương thường đến đây để cầu khấn thần linh, vì họ quan niệm bên dưới vùng đất này “có một đô hội”. Bây giờ Gò thờ vẫn còn đó, nằm ở vị trí trung tâm của Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong kháng chiến, vùng đất này được chọn để xây dựng nhà an dưỡng cho bộ đội Việt Nam và cả bộ đội Lào; Một công trình thủy điện nhỏ cũng đã được xây dựng trên dòng suối nơi đây, nay vẫn còn dấu tích… Rồi khi được biết mục đích sử dụng đất, chủ khu đất là anh Nguyễn Quốc Ái và gia đình còn “tặng thêm cho anh Trí cả triền của một núi đá (nay đã có tên là Quy Miếu Sơn) ở bên cạnh, để anh có thêm diện tích làm công trình!”.
GS. TS Nguyễn Anh Trí (đội mũ lá) tham gia Tết trồng cây trên
Dự án Công viên Di sản – Cao Phong, Hòa Bình, năm 2015
Tìm hiểu về ý tưởng và những quyết sách có phần táo bạo trên con đường khoa học của GS Nguyễn Anh Trí, ông khiêm tốn chia sẻ: “Tôi may mắn có nhiều dịp ra nước ngoài công tác, và với tính cách của mình, đi tới đâu tôi cũng tìm hiểu, học hỏi để vun đắp cho những ý tưởng mình đang nung nấu…”[5]. Chúng tôi còn cảm nhận được điều mà GS Nguyễn Anh Trí thật sự tâm đắc qua những dịp tiếp xúc, làm việc cùng ông, đó là việc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, từ khi được thành lập, đã quy tụ được đội ngũ các chuyên gia, các cộng sự đầy nhiệt huyết đồng hành cùng ông thực hiện ý tưởng. Bằng sự trọng thị và tấm lòng chân tình, GS Trí từng khẳng định: “Trung tâm đã rất may mắn khi được PGS.TS Nguyễn Văn Huy[6], là một người rất có uy tín, có nhiều kinh nghiệm và đặc biệt là rất nhiều ý tưởng sáng tạo, độc đáo đã nhận lời mời về làm Giám đốc chuyên môn cho Trung tâm … Thầy Huy đã có vai trò rất lớn trong việc định hướng, chỉ đạo hoạt động chuyên môn của Trung tâm, đào tạo cán bộ cho Trung tâm. Và những khó khăn, sóng gió trong những ngày đầu Trung tâm đã vượt qua được, cũng là nhờ có bản lĩnh, tâm huyết của Thầy…”[7].
Cũng trên chặng đường ngót một thập kỷ mà Trung tâm đã đi qua, không thể không nhắc đến vai trò của bà Võ Thị Ngọc Lan[8] bằng những lời khâm phục. Dù không cùng chuyên môn, nhưng có lẽ từ tấm lòng luôn vì con người, cùng khả năng nhạy bén trong quản lý điều hành, và bằng uy tín, sự tận tụy, bà đóng vai trò không thể thiếu trong sự phát triển của Trung tâm.
Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến sự đóng góp trí tuệ và sức lực của TS Trần Văn Tính – một học trò, người bạn đồng hành chí cốt[9] của GS Nguyễn Anh Trí – trong việc góp phần đắc lực, hiện thực hóa các ý tưởng của người thầy Nguyễn Anh Trí.
Và trong nhiều sự kiện, GS Trí luôn ghi nhận: “Tôi còn một may mắn lớn là cả tập thể đội ngũ cán bộ nhân viên Công ty MEDLATEC, Trung tâm HERITIST, Công viên HERITIST đã đồng lòng, quyết tâm làm việc ngày đêm để thực hiện những ý tưởng của mình”[10].
Đồng thời, ông cũng rất vui mừng, vững tin khi Dự án xây dựng “Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam” đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình nói chung, huyện Cao Phong và xã Bắc Phong nói riêng. Như nhận định của các đồng chí Quách Thế Tản (nguyên Phó Chủ tịch tỉnh) và Bùi Văn Cửu (Phó Chủ tịch tỉnh), thì đây là một dự án giàu tính nhân văn, với nhà đầu tư là Công ty MEDLATEC rất nghiêm túc và quyết tâm, nên địa phương luôn hết sức ủng hộ và tạo điều kiện. Điều đó thực sự là nguồn động viên to lớn để tập thể cán bộ nhân viên Công ty MEDLATEC nỗ lực triển khai cho đến thành công Dự án.
* *
*
Dù công việc chuyên môn và quản lý chỉ đạo một đơn vị đầu ngành của Y học Việt Nam rất bộn bề, song những ý tưởng mang đậm tính nhân văn, tầm nhìn khoa học của thời đại vẫn luôn đồng hành cùng GS Nguyễn Anh Trí. Đối với ông đó là lẽ sống! Đặc biệt, như ông tâm sự, trong ông luôn thường trực khát khao cháy bỏng, toàn tâm toàn trí cho sự thành công của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam – một trung tâm văn hóa – khoa học độc nhất vô nhị trên đất nước ta cho đến thời điểm này. Chúng ta tin tưởng rằng với những cống hiến khoa học vì con người, vì đất nước, vì nền khoa học và mang ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ trẻ,… mà GS.TS.TTND. AHLĐ Nguyễn Anh Trí đã và đang miệt mài đóng góp sẽ tiếp tục được phát huy, lan tỏa và vững bền cùng thời gian.
Mai Phi Nga
__________________
* GS.TS.TTND. AHLĐ Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học -Truyền máu trung ương. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[1] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Anh Trí ngày 28-4-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] [3] [5] [7] [10] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Anh Trí ngày 28-4-2015, tài liệu đã dẫn.
[4] Nay Trụ sở đặt tại tòa nhà số 26, phố Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội.
[6] PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn – Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[8] Bà Võ Thị Ngọc Lan hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Công nghệ và Xét nghiệm Y học MEDLATEC.
[9] GS Nguyễn Anh Trí là thầy hướng dẫn khoa học cho học viên Trần Văn Tính thực hiện và bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ và luận án Tiến sỹ.