GS Lê Viết Ly sinh năm 1937 tại Thanh Hóa. Năm 1952 ông thi đỗ vào trường cấp 3 Lam Sơn, đến năm 1954 do có kết quả học tập tốt nên ông được chọn đi học ngành Nông nghiệp tại trường Đại học Nông nghiệp Hoa Nam, Trung Quốc. Năm 1959 sau khi tốt nghiệp Đại học ông về nước giảng dạy tại trường Trung học Nông nghiệp Trung ương (trụ sở đóng tại Vinh, Nghệ An), rồi trường Đại học Nông nghiệp II ở Hà Bắc (nay là trường Đại học Nông lâm Huế). Năm 1969, giảng viên Lê Viết Ly được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Bulgaria và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đề tài “Sinh lý dinh dưỡng của loài nhai lại”. Chính trong thời gian này ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhà khoa học quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó ông nhận thấy rằng muốn phát triển ngành chăn nuôi trong nước cần phải mở rộng hợp tác quốc tế.
GS.TS Lê Viết Ly trong buổi làm việc
Năm 1976, trong chương trình hợp tác giữa trường Đại học Nông nghiệp II và Đại học Nông nghiệp Hà Lan (gọi tắt là VH12), ông có chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trong vai trò điều phối viên dự án hợp tác về giáo dục khoa học về chăn nuôi. Chương trình hợp tác này kéo dài hơn 20 năm. GS Ly chia sẻ: “Chuyến đi công tác tại Hà Lan đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Tôi có điều kiện học tập và trao đổi về khoa học với bạn bè quốc tế, họ sẵn sàng có những hợp tác vô tư”.
Năm 1984 ông về công tác tại Viện Chăn nuôi và giữ chức Phó Viện trưởng, tại đây ông tập trung vào nghiên cứu khoa học và đạt hiệu quả trong việc tăng sản lượng chăn nuôi: lợn hướng nạc, bò lai sin, trâu bò thịt, sữa. Trong quá trình nghiên cứu ông còn tham gia vào nhiều dự án hợp tác quốc tế với các nước: Pháp, Thụy Điển, Đan Mạnh, Phần Lan, Na Uy, Nhật, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… trong đó phải kể đến dự án “Phát triển bền vững” hợp tác với Thụy Điển và tham dự các hội thảo khoa học quốc tế, giảng dạy tại Đức. Bên cạnh đó, ông còn cùng đồng nghiệp thực hiện thành công dự án “Bảo tồn và khai thác các nguồn gen vật nuôi” bắt đầu từ năm 1992.
Nhận thấy hoạt động ý nghĩa của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, trong thời gian tới GS Lê Viết Ly sẽ tiếp tục hợp tác và làm việc với nghiên cứu viên Trung tâm.
Giang Thị Nhung