Trăn trở với chương trình thanh toán bệnh dại ở Việt Nam

Năm 1967, sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ tại trường Đại học Nông nghiệp Hoa Nam, Trung Quốc, ông Nguyễn Bá Huệ được cử về công tác tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (1967-1968), Viện Thú y quốc gia (1968-1993).

Đầu những năm 80, trước thực trạng dịch bệnh dại đang lan rộng ở nhiều địa phương, PGS.TS Nguyễn Bá Huệ, khi đó là Phó viện trưởng Viện Thú y quốc gia, đã đứng lên phát động chiến dịch phòng chống, ngăn ngừa bệnh dại trong cả nước. Ông cũng là người chủ trì chương trình cấp Bộ "Nghiên cứu, triển khai thanh toán bệnh dại trên cả nước".

 PGS.TS Nguyễn Bá Huệ

Được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp, ông đã cùng đồng sự tiến hành nghiên cứu, triển khai thí điểm mô hình phòng chống, ngăn ngừa bệnh dại tại xã Phù Lưu, tỉnh Hà Sơn Bình (1981). Sau đó, mô hình trên được tiếp tục thí điểm nhân rộng tại 9 xã, huyện ở đồng bằng sông Hồng và duyên hải miền Trung (1983-1987); 6 tỉnh ở Bắc Trung Bộ (1988-1995).

Với những kết quả thí điểm mà PGS.TS Nguyễn Bá Huệ và cộng sự đạt được, từ 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký chỉ thị mở rộng chương trình triển khai thanh toán bệnh dại trong cả nước. Các tỉnh, thành phố đã đồng loạt áp dụng triệt để mô hình thí điểm phòng chống, dập tắt bệnh dịch.

Nghỉ hưu năm 1993, PGS.TS Nguyễn Bá Huệ mạnh dạn đứng ra thành lập Trung tâm Nghiên cứu bệnh dại và dịch động vật nhiệt đới, tiếp tục bắt tay nghiên cứu vacxin và các giải pháp kỹ thuật nhằm giải quyết bệnh dịch động vật ở Việt Nam.

Hai năm trở lại đây, mặc dù tuổi cao, ông vẫn tự tay viết lại các cuốn tài liệu về bệnh dại và cách phòng chống với mong muốn giới thiệu, truyền đạt cho bà con nông dân những kinh nghiệm, cách ngăn ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian ngắn, đạt hiệu quả cao. Ông cười chia sẻ: Mình còn sức, còn trí, thì sẽ còn tiếp tục trăn trở với công tác phòng chống bệnh dịch.

Phạm Ngọc Hải

 


(*) PGS.TS Nguyễn Bá Huệ sinh ngày 14-7-1930 tại xã Hương Bình, Hương Trà, Thừa Thiên Huế.