Tiếp nhận khối tài liệu lớn của một nhà khoa học tài năng và tâm huyết

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, lúc còn nhỏ, Phạm Đức Dương được học chữ Hán rồi học chữ quốc ngữ ở làng. Năm 1941, Phạm Đức Dương thi đậu vào trường tiểu học Đông Thái. Năm 1945, ông đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp tiểu học ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Từ thời học trò, ông đã tham gia đoàn hướng đạo sinh do thầy giáo Hoàng Nguyên Cát tổ chức. Trong nạn đói 1944-1945, ông cùng với đoàn hướng đạo sinh đi vận động cứu đói và sau đó tham gia cách mạng, hoạt động trong tổ chức Đoàn thanh niên huyện Đức Thọ.

GS Phạm Đức Dương

Năm 1946, Phạm Đức Dương nhập ngũ khi mới 16 tuổi. Năm 1947, ông cùng đơn vị hành quân sang giúp đỡ cách mạng Lào. Trải 11 năm trong quân ngũ, rồi qua hơn 10 năm vừa nỗ lực học tập vừa nghiên cứu, năm 1970, cán bộ nghiên cứu Phạm Đức Dương đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ ngôn ngữ học với đề tài “Hệ thống thanh điệu và thanh phổ của nguyên âm tiếng Lào hiện đại (tài liệu thực nghiệm)” tại Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1975, PTS Phạm Đức Dương được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Đông-Nam Á của Viện Ngôn ngữ học. Năm 1983, ông làm Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông-Nam Á được thành lập từ Ban Đông-Nam Á. Trong hơn mười năm làm Viện trưởng, ông đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, tổ chức sưu tầm tư liệu và nghiên cứu về Đông-Nam Á, triển khai nhiều dự án hợp tác nghiên cứu. Ông được phong học hàm Phó giáo sư năm 1984 và Giáo sư Ngôn ngữ học năm 1991.

GS Phạm Đức Dương là tác giả và đồng tác giả của hơn 20 cuốn sách chuyên khảo về ngôn ngữ học và Đông-Nam Á học, tác giả của hơn 200 bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí hay tại các hội thảo khoa học. GS Phạm Đức Dương là “kiến trúc sư” chính trong hơn 20 năm đầu xây dựng Viện Đông-Nam Á và được kính trọng vì tấm lòng và cách thức ứng xử với các trí thức, vì cái tâm của một nhà quản lý khoa học.

Ông coi quản lý khoa học là “người giúp việc” cho các nhà nghiên cứu nên đã chú trọng tạo điều kiện tốt nhất, giúp đỡ nhiều chuyên gia có điều kiện để tập trung nghiên cứu như học giả Phan Ngọc, nhà dân tộc học Từ Chi, PGS Cao Xuân Phổ… GS Phạm Đức Dương đã trực tiếp đào tạo và góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò trong lĩnh vực ngôn ngữ học, Đông-Nam Á học và văn hóa học. Đặc biệt, ông dành phần lớn không gian trong ngôi nhà riêng khá chật hẹp của mình làm thư viện gia đình mở cửa cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và những ai say mê khoa học đến đọc sách và trao đổi về học thuật.

Bộ sưu tập tài liệu của GS Phạm Đức Dương lớn và quý, với hơn 12.000 tài liệu, gồm các sổ ghi chép thực địa, bản thảo, thư từ, phiếu điều tra ngôn ngữ, bài viết, ảnh tư liệu, sách báo, tạp chí… Những tài liệu này không chỉ thể hiện về cuộc đời và sự nghiệp của GS Phạm Đức Dương mà còn có nhiều giá trị để tìm hiểu về lịch sử xây dựng Viện nghiên cứu Đông-Nam Á, về ngành Đông-Nam Á học ở Việt Nam và về nhiều nhà khoa học có quan hệ với ông như: Phan Ngọc, Từ Chi, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Bích Hà…

Nhân dịp 85 năm ngày sinh của GS Phạm Đức Dương (21-10-1930 – 21-10-2015), ngày 17-10, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học tiếp nhận khối tài liệu đồ sộ này.

 

Bài và ảnh: Ngô Vương Anh

Nguồn:www.nhandan.com.vn/vanhoa/chan-dung/item/27729902-tiep-nhan-khoi-tai-lieu-lon-cua-mot-nha-khoa-hoc-tai-nang-va-tam-huyet.html