GS.TS Lê Vũ Khôi sinh năm 1938 tại Cao Bằng. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1961), ông gắn bó với công tác giảng dạy ở đây cho đến khi nghỉ hưu. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như Phó chủ nhiệm, Chủ nhiệm bộ môn Động vật có xương sống, Phó chủ nhiệm khoa Sinh, Trưởng ban Khoa học công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ở cương vị nào ông cũng nỗ lực hết mình cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học.
GS.TS Lê Vũ Khôi
Nhắc về những kỷ niệm này, GS Lê Vũ Khôi không thể quên những ngày đầu chập chững mới bước vào nghề. Mặc dù tốt nghiệp từ năm 1961, nhưng trong 3 năm đầu, ông chỉ được giao hướng dẫn thực tập cho sinh viên chứ chưa được “đứng lớp”. Năm 1964, thầy giáo của ông là GS Đào Văn Tiến phải đi công tác ở Tây Bắc nên ông được thầy gọi lên và giao nhiệm vụ giảng tiếp chương trình của môn Động vật có xương sống. GS Lê Vũ Khôi nhớ lại: “Cuốn sách về môn học này bằng tiếng Nga tôi đọc cả rồi. Cho nên khi thầy Tiến giao nhiệm vụ cho tôi như thế, trong vòng 3 ngày tôi soạn ngay bài giảng để lên lớp. Nhưng mỗi tuần dạy 2 tiết nên 3 ngày đó tôi chuẩn bị cho tiết đầu tiên, sau đó lại chuẩn bị tiếp”. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm giảng dạy và nghiệp vụ sư phạm nên sau một tháng, thầy Tiến về kiểm tra lại, ông bị phê bình: “Cậu giảng thế này là chậm mất mấy tiết của tôi rồi”. Đợt ấy, ông giảng cho sinh viên khóa 7, những người sau này đều trở thành các nhà khoa học như GS Vũ Văn Vụ, GS Trịnh Tam Kiệt…
Các thầy Nguyễn Lân Dũng và Phan Kế Lộc cũng rất ảnh hưởng tới ông Lê Vũ Khôi. Ông kể: “Tôi thường nhớ lại khi được ông Lân Dũng và ông Phan Kế Lộc lên lớp cho tôi như thế nào, vì hồi đó các vị ấy còn rất trẻ. Ông Dũng dạy về vi sinh vật, người nhỏ, mặc áo blue rất dài. Còn ông Phan Kế Lộc cũng mặc áo blue, nhưng khi giảng đến cây thì đọc tên latinh vanh vách. Học tác phong của hai ông ấy vì tuy còn trẻ nhưng phải nắm vững kiến thức thật chắc chắn, không được phụ thuộc vào bài giảng đã soạn”.
Kể từ sau lần lên bục giảng đầu tiên ấy, ông Lê Vũ Khôi được lên lớp giảng dạy nhiều hơn và dạy ngày một tốt hơn. Cho đến bây giờ ông vẫn không quên những ngày đầu bỡ ngỡ ấy .
Nguyễn Thanh Hóa