Một tài liệu quý của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc





Năm 1983, khi đang là giảng viên khoa Sử, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng được cử đi tu nghiệp ngắn hạn ở Liên Xô. Hai nhiệm vụ được đặt ra cho ông trong chuyến đi này: một là nâng cao trình độ chuyên môn về Lịch sử thế giới hiện đại; hai là sưu tầm tư liệu về Quốc tế cộng sản với cách mạng Việt Nam, vấn đề ông đã quan tâm nghiên cứu từ lâu, nhất là sau khi đọc sách của tác giả Hồng Hà[1].

Sang Liên Xô, ông Nguyễn Quốc Hùng được phân về trường ĐH Sư phạm Gerzen ở Leningrat, nhưng ông lại muốn về trường ĐH Sư phạm Lênin ở Moskva – ngôi trường ông đã từng học từ năm 1961 đến năm 1964. Ông kể: “Tôi đã đến trường cũ, vào phòng phụ trách người nước ngoài và nói: Tôi là người Việt Nam, cách đây 19 năm tôi đã học tập ở đây. Họ hỏi: Anh tốt nghiệp năm nào? Tôi trả lời: năm 1961 tôi vào học năm thứ nhất. Tôi chỉ nói chung chung như vậy (không nói rõ là năm 1964, khi về nước nghỉ hè, chúng tôi được lệnh không trở lại Liên Xô tiếp tục học tập). Họ lạnh lùng trả lời rằng: Rất tiếc không giúp gì được cho anh vì lúc này đồng hương của anh (đoàn giáo viên dạy tiếng Nga) đang học tại đây khá đông. Khoảng hai tháng sau, tôi đến thăm lại khoa Sử của trường. Khi nhìn thấy trên bảng treo trước cửa: Chủ nhiệm khoa Sử Igor Zaporov. Tôi nhớ rất rõ đây là bạn cũ từng đi khảo cổ và đá bóng ở Ucraina nên đăng ký xin gặp. Cô thư ký nói tôi chờ để vào báo cáo. Hai mươi phút sau, cánh cửa bật mở, vị chủ nhiệm khoa ấy chính là người bạn cũ của tôi. Ông mừng rỡ chạy đến ôm tôi và gọi tên “Nguyễn Quốc Hùng” (gọi theo phát âm tiếng Nga), rồi ông nói: Lần sau đến không phải qua thư ký. Hỏi thăm công việc, sức khỏe của tôi, ông còn vui vẻ nói: sao bây giờ nói tiếng Nga tồi thế? Tôi nói: đã 19 năm không nói tiếng Nga. Cuộc hội ngộ giữa hai người bạn diễn ra trong thời gian ngắn, rồi sau đó tôi về trường ĐH Sư phạm Gerzen làm việc như đã được phân công”[2].

Ông Nguyễn Quốc Hùng rất ấn tượng với TP Leningrat – một thành phố lịch sử, tuy mới có hơn 300 năm tuổi, ông cho biết: Ở đây mang đậm dấu ấn lịch sử, kinh đô cũ, với nhiều cung điện, lâu đài nguy nga, như Cung điện Mùa đông nay là Bảo tàng Ermitage, Cung điện mùa hè… kể cả những đánh dấu trận lụt năm 1923 trên đường phố bằng những câu chữ và biểu tượng; …

Nhà trường cử một giáo sư về lịch sử là Egorov phụ trách hướng dẫn cho ông Nguyễn Quốc Hùng. Giáo sư sắp xếp ông đến dự giờ lịch sử thế giới hiện đại và đề ra cho ông tên 15 cuốn sách để đọc. Trong số sách này, có 13 cuốn ông đã đọc ở trong nước, hai cuốn còn lại ông đọc và tóm tắt trong khoảng 30 trang. Theo lịch hẹn, một tuần sau ông đến trình bày bản tóm tắt. Giáo sư hướng dẫn khen ngợi ông về sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự hiểu biết đã có. Ông bắt đầu tìm tư liệu về Quốc tế cộng sản với cách mạng Việt Nam. Khi còn ở trong nước, ông đã đọc được cuốn sách Bác Hồ trên đất nước Lênin của tác giả Hồng Hà, xuất bản năm 1980. PGS Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Đây có thể nói là một công trình công phu, nhiều tư liệu quý mới về Bác Hồ. Tôi đánh giá cao công trình này, nhưng cũng phát hiện thấy sách lại trống mảng các tạp chí và các sách có liên quan[3]

PGS Nguyễn Quốc Hùng kể về việc sưu tầm tư liệu tại Liên Xô

 

 

Vì ông Nguyễn Quốc Hùng là cán bộ giảng dạy có kiến thức nghiên cứu nên giáo sư hướng dẫn đồng ý để ông độc lập tập trung trong việc sưu tầm tài liệu, sau khi đã hoàn thành việc tu nghiệp. Hàng ngày ông đến thư viện Saltikov – Shedrin là thư viện lớn ở Leningrat tìm đọc các loại tạp chí trước năm 1945, trước hết là tạp chí Quốc tế Cộng sản (ra đời năm 1919, 3 số mỗi tuần). Ông kể lại: Hàng ngày, tôi đến thư viện kiên trì xem từng trang, vì nếu chỉ nhìn vào mục lục thì không nhận ra những nội dung hay cần tìm[4]. Ở Liên Xô, thư viện có những quy định khác với thư viện Việt Nam ở chỗ: Tài liệu đã mượn nếu chưa đọc xong thì có thể để tại bàn để hôm sau đọc tiếp, mà không phải trả lại ngay. Ngay ngày đầu tiên, ông đã tìm được bản Tuyên ngôn ra đời của Quốc tế Cộng sản, trong đó có hai lần nhắc đến nước An Nam (Việt Nam). Đây là tài liệu quý, khiến ông rất phấn khởi và thêm tự tin về hướng tìm tài liệu của mình là đúng đắn. Nhưng phải nói khoảng hơn nửa tháng sau, ông mới tìm thêm được tài liệu về giai đoạn 1929-1930, về cuộc khởi nghĩa Yên Bái, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, về cuộc đàm thoại với đại biểu Cộng sản Đông Dương…Bên cạnh đó, ông còn tìm đọc được bộ sách nhiều tập Lịch sử Phong trào công nhân Quốc tế do Loclốpxki chủ biên. Ông tìm đọc phong trào công nhân Quốc tế thế kỷ XX, khi đọc đến Đại hội III Quốc tế Công hội đỏ, ông đọc được một thông tin quý giá chỉ với một dòng ngắn: Nguyễn Ái Quốc (Đông Dương) đã tham dự đại hội. Ngay lập tức, ông tìm tập văn kiện của Đại hội này và thật may mắn ông đã tận mắt được thấy bản tham luận của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đọc tại phiên họp thứ 15 của Đại hội III Quốc tế Công hội đỏ, ngày 21-7-1924. Sau đó, ông viết thư về Việt Nam hỏi đồng nghiệp chuyên nghiên cứu về lịch sử Đảng thì được biết trong nước chưa có tài liệu này.

Bản tham luận được viết bằng tiếng Nga, in trong tài liệu nói trên từ trang 297-299. Vì đây là tài liệu quý nên ông Nguyễn Quốc Hùng nghĩ rằng: Nếu viết tay thì có thể dẫn đến sai sót và mọi người không tin, nên tôi quyết định photocopy, với giá không rẻ, vì kỹ thuật này mới có[5].

Về việc sưu tầm tài liệu ở nước bạn, theo kinh nghiệm của PGS Nguyễn Quốc Hùng thì không phải việc đơn giản, không những chỉ đòi hỏi phải biết tiếng Nga, mà còn phải có kiến thức lịch sử, biết cách thức sắp xếp, hệ thống tổ chức của thư viện. Ông may mắn đã có 3 năm (1961-1964) học tại trường ĐH Sư phạm Lênin ở Moskva, nên không gặp khó khăn gì khi tìm tài liệu tại thư viện. Đó là giải đáp của ông, khi sau này có người hỏi ông làm thế nào để sưu tầm được tư liệu mới.

Sau bốn tháng đi tu nghiệp trở về nước, từ những tư liệu sưu tầm được, ông Nguyễn Quốc Hùng viết các bài: “Tuyên ngôn của Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản (1919)”; “Đại hội Quốc tế Nông dân lần thứ nhất (1924)”; “Quốc tế Cộng sản với cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 của Việt Nam Quốc dân Đảng”; “Thêm những tư liệu mới về Quốc tế Cộng sản”… Những bài viết đó được đăng trên các số khác nhau của tạp chí Lịch sử Đảng. Bản tham luận của Nguyễn Ái Quốc bằng tiếng Nga nói trên ông đã tiến hành dịch sang tiếng Việt. Nhờ có vốn ngoại ngữ tốt nên ông dịch khá thuận lợi, rồi sau đó, để cẩn thận hơn, ông đưa bản dịch đến nhờ hai vợ chồng nhà ngôn ngữ học – GS Nguyễn Tài Cẩn và vợ là GS Nonna Stankevich người Nga đọc lại giúp. PGS Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ: Sở dĩ tôi nhờ vợ chồng GS Nguyễn Tài Cẩn bởi hai người đều giỏi tiếng Nga, am hiểu về đất nước Nga và là giáo sư ngôn ngữ học, nổi tiếng[6]. PGS Nguyễn Quốc Hùng kể: Trong một tiếng đồng hồ làm việc, GS Nguyễn Tài Cẩn đánh giá tốt bản dịch.

 Bài tham luận của Bác Hồ do PGS Nguyễn Quốc Hùng dịch từ bản tiếng Nga,

được đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng, năm 1989

 

 Năm 1984, ông Hùng quyết định công bố bản dịch Tham luận của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội III Quốc tế Công hội đỏ (1924) trên báo Nhân dân. Báo ra ngày 28-7-1984, nhưng rất tiếc là không ghi tên ông với tư cách người sưu tầm, dịch và chú thích. PGS Nguyễn Quốc Hùng kể: Tôi viết thư gửi Tổng biên tập báo Nhân dân và nói rõ: Việc sưu tầm được một bài viết của Bác Hồ là một vinh dự lớn và may mắn trong cuộc đời tôi và việc ghi tên là thể hiện trách nhiệm trước bạn đọc. Rất tiếc, tôi không nhận được hồi âm![7]. Sau đó, ông Nguyễn Quốc Hùng có kể chuyện này với ông Triệu Quang Tiến- Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng (vốn là cựu sinh viên khoa Sử, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội) và nhận được đề nghị: Thầy đưa em bản tham luận. Năm 1989, toàn văn bản tham luận của Bác do ông dịch được đăng trên trang đầu của Tạp chí Lịch sử Đảng, số 2(26), (trang 2-3), có ghi tên người sưu tầm, dịch, chú thích là Nguyễn Quốc Hùng. Sau đó, bản tham luận này còn được đưa vào Bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 290-293.

Việc sưu tầm được bản Tham luận của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội III Quốc tế Công hội đỏ (1924) góp phần làm giàu thêm vốn tư liệu quý về Bác Hồ, giúp công chúng biết được tầm hoạt động quốc tế và những đóng góp của Người.

 

Nguyễn Thị Phương Thúy

 


[1] Ông Hồng Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân, nguyên Trưởng ban Đối ngoại Trung ương (Mất ngày 14-1-2011). 

 

[2] Phỏng vấn PGS Nguyễn Quốc Hùng ngày 11-3-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

 

[3] Phỏng vấn PGS Nguyễn Quốc Hùng ngày 11-3-2016, tài liệu đã dẫn.

 

[4] Phỏng vấn PGS Nguyễn Quốc Hùng ngày 11-3-2016, tài liệu đã dẫn.

 

[5] Phỏng vấn PGS Nguyễn Quốc Hùng ngày 11-3-2016, tài liệu đã dẫn.

 

[6] Phỏng vấn PGS Nguyễn Quốc Hùng ngày 11-3-2016, tài liệu đã dẫn.

 

[7] PGS.NGND Nguyễn Quốc Hùng, "30 năm tạp chí Lịch sử Đảng – Một tạp chí nhiều gắn bó và thân thiết", tạp chí Lịch sử Đảng, số 2 (267), tháng 2-2013, tr. 19, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.