Gặp gỡ chuyên gia về ngữ văn Nga





Tốt nghiệp ngành Tiếng Nga tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1960, ông Nguyễn Xuân Hòa nhận công tác phiên dịch tiếng Nga ở nông trường Tây Hiếu, tỉnh Nghệ An. Hai năm sau ông được chuyển về giảng dạy tại khoa Tiếng Nga trường Đại học Ngoại ngữ, Thanh Xuân Hà Nội (năm 2006, trường ĐH Ngoại ngữ đổi tên là Đại học Hà Nội). Đến năm 1978 ông được Bộ Giáo dục điều động sang phụ trách bộ môn Ngữ văn Nga, khoa Tiếng nước ngoài, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng từ đó sự nghiệp của giảng viên Nguyễn Xuân Hòa đã chuyển sang một hướng mới, ông không chỉ dạy tiếng Nga mà bước sang nghiên cứu lĩnh vực Ngôn ngữ.

 PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa giới thiệu tác phẩm dịch thuật từ tiếng Nga “Thơ trữ tình Blok”

Ông được đồng nghiệp Nguyễn Hữu Đạt[1] từng nhận định là một trong những người có công truyền bá văn hóa nước Nga vào Việt Nam thông qua các công trình dịch thuật của mình. PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa cho biết, dù ấp ủ và có nhiều những bài dịch nhỏ lẻ tiếng Nga từ năm 1983 nhưng hơn 20 năm sau mới tập hợp và xuất bản tác phẩm đầu tiên của riêng mình Thơ trữ tình Blok do Đại học Quốc gia ấn hành nhân dịp kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga, năm 2007. Ông là dịch giả cuốn sách dịch Tarat Septrenco của tác giả Nga Khinculov (Nxb Cầu Vồng, Moskva, 1988); là đồng tác giả cuốn sách Almanach những nền văn minh thế giới, 2416 trang  (Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006); đồng tác giả tham gia xây dựng bộ Từ điển giáo khoa Việt-Nga – bộ sách được nhận giải bạc Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam (2008). Đặc điểm riêng trong từng tác phẩm dịch thuật của Nguyễn Xuân Hòa là bám sát nguyên bản, diễn đạt chuẩn xác, thể hiện được phong cách của các nhà thơ, nhà văn muốn truyền tải.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa còn cho biết, ông được Ban Đối ngoại Trung ương điều động tham gia nhóm dịch Văn kiện Đại hội V của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội (1981-1982); Đại hội III của Đảng nhân dân cách mạng Lào (1982). Ông cũng từng làm cộng tác viên khoa học tại khoa Ngữ văn, Đại họcTổng hợp quốc gia Moskva (Đại học Lomonoxop), Liên Xô (1984;1986;1988).

Cuối buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa trao tặng cho Trung tâm một số tác phẩm dịch thuật của ông và tâm sự: “Tôi yêu thơ, văn của nước Nga vì qua các tác phẩm thể hiện sự hiền hòa, nâng cao giá trị thân phận của một con người, đồng thời có tính nhân bản cao. Hiện nay tiếng Nga không phải thời hoàng kim nhưng theo tôi, các bạn trẻ, các nhà nghiên cứu nên biết tiếng Nga để không bỏ phí nguồn tài liệu phong phú, cơ bản về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội”.

Lưu Thị Thúy

 


[1] PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt hiện là Phó Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học, Khoa Ngôn ngữ học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội).