Thương nhớ Nhà báo Hàm Châu





Thắp nén nhang tiễn đưa nhà báo Hàm Châu về nơi an nghỉ cuối cùng, chúng tôi không khỏi xúc động rơi nước mắt thương nhớ ông. Nhớ về ông là nhớ về một nhà văn, nhà báo chân chính, hết lòng vì nghề.

 

Cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thắp nén nhang vĩnh biệt Nhà báo Hàm Châu tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng

Từ khi Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam được thành lập, nhà báo Hàm Châu đã luôn theo dõi, ủng hộ và đặc biệt đã trao phần lớn di cảo của cuộc đời làm nghề của mình cho Trung tâm. Đó là những cuốn sổ ghi chép, nhật ký công việc, những bản thảo bài viết, thư từ trao đổi với các nhà khoa học… Đây là những tư liệu quý giá ông tập hợp trong những năm tháng ông lăn lộn, tâm huyết với nghề, là minh chứng chân thực nhất về quá trình hoạt động viết văn, viết báo của ông.

Chúng tôi từng có nhiều lần trò chuyện, trao đổi cùng ông tại căn nhà riêng trên phố Bồ Đề, hay những lần đến thăm ông ở căn hộ trên phố Phạm Ngọc Thạch, tất cả đều đọng lại cảm nhận: ông quá đỗi giản dị, gần gũi và tận tụy với công việc. Mới cách đây hơn 2 tuần, ông còn tham dự Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam ở Quy Nhơn, và trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại, ông đã hẹn chúng tôi vào một ngày gần nhất để cùng trò chuyện và làm việc.

Ông đã làm việc, cống hiến đến hơi thở cuối cùng một cách vô tư nhất, nhiệt huyết nhất. Nói như GS Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam): “Chúng ta đã mất đi một nhà báo chân chính hết lòng cho nền khoa học nước nhà và sẽ không bao giờ có một nhà báo tâm huyết và hiểu về khoa học như Hàm Châu”.

Tuy đã ở tuổi "xưa nay hiếm"[1], nhưng sự vội vã ra đi của ông đã để lại trong chúng ta niềm tiếc thương vô hạn.

Tưởng nhớ ông – nhà báo Hàm Châu, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cầu mong linh hồn ông an nghỉ nơi chín suối!

 

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

__________

[1].Nhà báo Hàm Châu sinh năm 1935.