Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dân sinh năm 1950 tại Quất Lưu, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Năm 1967, ông được cử đi học tại Đại học Alexandru Ioan Cuza, Iasi, Rumani, chuyên ngành Vật lý. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông là một trong số những học sinh giỏi ngoại ngữ được Ban Lãnh đạo Lưu học sinh Việt Nam lựa chọn chuyển sang học ngành ngữ văn. Ông đã dần thay đổi cách nghĩ về văn học và nghề nghiên cứu văn học, “và tôi bắt đầu thấy văn học có cái để nghiên cứu” – PGS Nguyễn Văn Dân chia sẻ. Trong suốt những năm tháng gắn bó với văn chương, văn hóa ông đã có nhiều đóng góp trong nghiên cứu, phê bình văn học và được tặng nhiều giải thưởng, bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam…
Với tư duy lôgic toán học và khả năng ngoại ngữ, ông đã tham gia thực hiện những đề tài cấp nhà nước, cấp bộ về vấn đề toàn cầu hóa văn hóa. Ông thổ lộ: Tôi tham gia làm đề tài nghiên cứu về toàn cầu hóa văn hóa vào thời điểm ở nước ta chưa thừa nhận về hiện tượng toàn cầu hóa văn hóa tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Dân đề tặng tư liệu tại Trung tâm
Ông tâm sự: “Nhìn lại quãng đời làm khoa học của mình, tôi không có gì phải hối hận. Có thể còn có những điều mình chưa làm được tốt, nhưng tôi đã nêu ra được một số vấn đề cốt lõi của khoa học xã hội. Tôi vẫn còn ấp ủ những điều muốn làm, nhưng có lẽ điều kiện không cho phép. Hãy để cho lớp trẻ thay ta làm nốt phận đời”.
PGS.TS Nguyễn Văn Dân cùng cán bộ Trung tâm tại kho Phim ảnh
Đến thăm Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, PGS Nguyễn Văn Dân rất ngạc nhiên về những kết quả mà Trung tâm đã đạt được, củng cố thêm niềm tin của ông vào hoạt động của Trung tâm. Ông cũng đã chuẩn bị một số tư liệu để tặng Trung tâm gồm luận án Phó tiến sỹ, bản hồi ký “Chuyện đời tôi” do ông tự đánh máy, đóng quyển cẩn thận.
Vũ Thị Hường