Bảo quản tốt, từng bước phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học là trách nhiệm của chúng tôi

Kính thưa GS Phong Lê và PGS Thanh Vân cùng toàn thể gia đình;

Kính thưa GS.TS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí – Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Trung tâm; Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương;

Kính thưa các nhà khoa học cùng các vị khách quý đã đến tham dự buổi lễ ngày hôm nay.

Hôm nay chúng ta có mặt ở đây để chứng kiến một sự kiện quan trọng của Trung tâm Di sản các nhà khoa học VN cũng như để chia sẻ với GS Phong Lê trước một quyết định trọng đại của cuộc đời đối với khối tài sản vô giá của mình. Đó chính là sự kiện Tiếp nhận toàn bộ 8000 đầu tài liệu, hiện vật phản ánh lịch sử cuộc đời của một nhà khoa học, một nhà nghiên cứu phê bình văn học đáng kính của chúng ta – GS Phong Lê. Đây thật sự là một niềm hạnh phúc nằm ngoài sự mong đợi của chúng tôi. Nhân dịp này, cho phép tôi được gửi lời cảm ơn trân trọng nhất đến GS Phong Lê và phu nhân của ông – PGS Thanh Vân, cũng như các thành viên trong gia đình đã tin tưởng tuyệt đối và trao tặng những tài sản khoa học cả cuộc đời cho Trung tâm.

Còn nhớ trong những ngày cuối hè năm 2008, trong ngôi nhà chật hẹp ở phố Thái Hà, với bộ trang phục giản dị, GS Phong Lê đã đón tiếp và giới thiệu với những nghiên cứu viên trẻ của chúng tôi về những tài liệu, hiện vật mà ông đã lưu giữ trong hơn nửa thế kỷ qua. Lúc đó, những tài liệu của ông được xếp thành như các tập hồ sơ và để ở khắp nơi trong nhà, từ giá sách đến chạn ghế, từ phòng ngủ đến phòng khách, và cả gầm giường… Chúng tôi cảm nhận được sự xót xa và lo lắng của ông khi nhìn các tập tài liệu được tích cóp trong cả một đời hoạt động khoa học và giảng dạy đã bị phủ những lớp bụi dầy lên theo năm tháng. Dù sau đó gia đình ông chuyển lên Võng Thị với ngôi nhà rộng lớn hơn, nhưng vẫn không thể đủ không gian để bảo quản khối tài liệu đồ sộ một cách ngăn nắp, khoa học. Hai tầng nhà mới chỉ đủ cho việc để các giá sách. Nhiều tài liệu khác, ông phải tạo ra một gian nhỏ ngay cửa ra vào ngôi nhà làm nơi để tài liệu. Những trận nắng nóng rồi những ngày mưa gió, tài liệu lúc giòn lúc ẩm ướt là một nỗi băn khoăn lớn đối với ông.

Nhiều cơ quan lưu trữ, bảo tàng đã đến đặt vấn đề để sưu tầm những tài liệu này nhưng ông chưa nỡ lòng rời xa di sản của cuộc đời mình. Sau 7-8 năm tiếp cận, đến tháng 8-2015, sau hàng chục lần trao đổi, suy nghĩ kỹ càng GS Phong Lê và PGS Thanh Vân quyết định trao tặng toàn bộ tài liệu quý giá của mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bảo quản. Bộ sưu tập hơn 8000 tài liệu hiện vật là cả một gia sản lớn của một nhà khoa học. Đó là minh chứng sinh động nhất cho sự tâm huyết đối với lĩnh vực phê bình văn học mà ông theo đuổi cả cuộc đời. Và chắc hẳn ông cũng đã phải băn khoăn, trăn trở rất nhiều trước khi đưa ra quyết định lớn như vậy. Đó là quyết định đến từ một niềm tin mãnh liệt, một sự ủng hộ vô bờ bến mà GS Phong Lê và gia đình dành cho Trung tâm.

Có lẽ những ai được mục sở thị khối tài liệu lớn của GS Phong Lê tại Trung tâm đều không khỏi xúc động: Tại sao trong điều kiện khó khăn của chiến tranh, của thời bao cấp mà một nhà khoa học lại có thể lưu giữ được những tài liệu từ những năm 1950 đến nay một cách đầy đủ như vậy?

Trong hàng trăm bức thư, vô tình tôi đọc được một bức thư cụ thân sinh giáo sư Phong Lê đã viết cho con ngày 2/10/1957. Tôi muốn dừng lại chia sẻ kỹ về bức thư này để thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của những tài liệu đang được lưu giữ.

Bức thư của một nhà giáo gửi cho con, mà nay đọc lại giúp ta hiểu nhiều điều về lịch sử, văn hóa và giáo dục gia đình ở thời điểm hơn nửa thế kỷ trước. Cụ viết: “Ở nhà ta vẫn được thường cả, sinh hoạt vẫn như lúc Sừ (tên gọi quen thuộc trong gia đình) ở nhà. Mẹ sáng đi sản xuất, Văn đi học, chiều đi bò, Hà sáng đi củi, cỏ, 11 giờ đi học. Thầy dạy buổi chiều. Bảo đang học, Cẩm chơi ngoan, đòi ăn cả ngày. Mùa màng đã thu hoạch đám đồng chừng được non một tạ, lợn còn lại đã bán, mỗi con 10.000 (đ), con bò đã đẻ nhưng mẹ (nó) chết đi cho Hoàn. Kỳ này phải bồi dưỡng cỏ mạnh do Hà và Văn cung cấp hàng ngày. Ở nhà ta, trong tuần này mưa luôn nhưng không lụt, nước không có, mùa màng được, lúa xung quanh đã thu hoạch xong. Đồng bào no ấm. Việc sửa sai đương như lúc Sừ còn ở nhà, có lẽ nhà Kính Vân (là) địa chủ”.

Sự thành công của GS Phong Lê chắc hẳn luôn gắn với sự quan tâm, dạy dỗ của người bố có học thức sâu sắc và tầm nhìn xa. Trong thư cụ căn dặn: “Tình hình học tập mỗi ngày một khó khăn con cần cố gắng thêm. Cần đặt kế hoạch ngay từ bây giờ, không nên bỏ một giờ chết. Vì con cũng biết thì giờ nó cứ trôi đi không bao giờ nó quay trở lại. Học bổng cũng rất cần với gia đình ta, nhưng không phải nó quyết định việc học tập của con, nó chi phối một phần nào thôi. Dù thế nào gia đình cũng cố gắng cho con theo học. Vấn đề ấy con đừng lo ngại gì lắm mà nó chi phối mất việc học tập, mà cũng không nên đặt hy vọng nhiều quá mà thất vọng nhiều. Ta cứ bình tĩnh mà đợi chờ kết quả”.

Đặc biệt trong bối cảnh xã hội những năm 1956-1957 vô cùng phức tạp, Phong Lê đã được bố định hướng về vai trò của gia đình quan trọng như thế nào. Ông đã khéo léo giáo dục để kéo một thanh niên mới lớn, sống đơn độc ở thành thị, về với gia đình, về với thực tại: “Về kế hoạch tu dưỡng lúc ở nhà thầy quên dặn: Con cần phải thường xuyên viết thư về gia đình nói lên ngoài việc học tập và sức khỏe trong tháng, những mắc mớ trong tâm hồn, những hành động nếu có, những ý nghĩ sai lầm, mặc dầu trong ý nghĩ hàng ngày mình mắc phải để thầy theo dõi và giúp đỡ con học tập có kết quả. Gia đình là nơi ta tu dưỡng duy nhất trên con đường trưởng thành của thanh niên. Tất nhiên có nhiều phút giây khủng hoảng về tinh thần, vì đời không bao giờ nuông chiều mọi người như ý muốn của họ, những phút giây ấy, gia đình là nơi tâm hồn ta tìm chỗ trú ẩn chắc chắn. Những lúc đấu tranh gay go với sinh hoạt hàng ngày nhất là nơi thành thị, những phút đấu tranh gian khổ với bản thân gia đình là chỗ dựa vững nhất để ta mạnh dạn tiến lên, con chưa đọc quyển Sans Famille (Vô gia đình) (chắc viết nhầm, là Những kẻ khốn nạn – TG bài viết) của Victor Hugo, có dịp con nên đọc quyển dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, trong đó con sẽ thấy “Jean Valjean” một người vô gia đình, nó khao khát tình yêu gia đình như thế nào. Do đó, mỗi tháng viết thư về nhà, con chớ quên viết cho thầy biết những diễn biến tư tưởng của con trong tháng nếu có. Thầy khuyên con thế là vì tất nhiên trước thanh niên đương thời kỳ lớn lên có nhiều phút mơ mộng, thường chữ Pháp gọi là “bâtir des châteaux en Espagne” tức là “Xây lâu đài trên bãi cát” rồi thất vọng sinh ra hoang mang, khủng hoảng về tâm hồn, chứ thầy luôn luôn tin tưởng ở sự đấu tranh bản thân của con. Hàng tháng cứ 10-15 là viết thư về, có việc bất thường viết thêm”. Chỉ bức thư này thôi, đọc nó mà xúc động, không cần bình luận, chúng ta đều thấy giá trị của nó biết nhường nào.

Càng xúc động hơn khi được nhìn lại những trang viết của GS Phong Lê khi ông còn là một chàng sinh viên khóa I Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đó là những trang viết mở đầu cho cuộc đời của một nhà nghiên cứu văn học, cho một con người chọn nghiệp viết lách làm lẽ sống. Không chỉ xúc động vì những tài liệu hiện vật mang tính cá nhân của GS Phong Lê, mà còn xúc động vì giá trị lịch sử của bộ sưu tập tài liệu hiện vật này.

Hơn tám ngàn tài liệu của GS Phong Lê là khối di sản có giá trị không chỉ liên quan đến cuộc đời hoạt động khoa học của ông. Đây là còn những tài liệu liên quan đến nhiều vấn đề khác như lịch sử phát triển của Viện Văn học, lịch sử nhiều vấn đề nghiên cứu, phê bình văn học nửa sau thế kỷ XX. Nó vừa thể hiện quá trình trưởng thành của một nhà khoa học, vừa là tài liệu lịch sử về sự thay đổi nhận thức đối với các vấn đề văn học, và nhiều vấn đề xã hội. Những hồ sơ bản thảo các công trình khoa học, đề tài nghiên cứu mà GS Phong Lê tham gia, chủ trì sẽ cho chúng ta thấy sự biến chuyển trong đời sống nghiên cứu, phê bình văn học đương thời. Những tài liệu văn bản, giấy tờ qua các giai đoạn khác nhau là chứng tích cho quá trình phát triển của các cơ quan, đoàn thể mà ông đã sinh hoạt, công tác. Những bài tham luận, phát biểu tại các hội thảo khoa học cùng hàng ngàn bức thư trao đổi, và đặc biệt là những ghi chép của ông về các nhà văn, các vấn đề văn học… là những tài liệu quý giá. Ấn tượng hơn nữa là các bản tường trình, kiểm điểm từ những cuộc họp diễn ra trong thời gian ông làm Viện trưởng – một thời đoạn chuyển mình đầy phức tạp trong đời sống tư tưởng của đất nước vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Không chỉ có tài liệu tiểu sử mà hàng ngàn trang bản thảo liên quan đến các công trình khoa học cũng là những mảnh ghép ký ức, những di sản thể hiện quá trình lao động trí tuệ của GS Phong Lê. Càng xúc động hơn khi GS Phong Lê đã dành 12 buổi để kể lại ký ức về cuộc đời mình với hơn một ngàn phút ghi âm, ghi hình đang được lưu giữ tại Trung tâm. Tất cả những di sản vật thể (tài liệu, hiện vật) và di sản ký ức của GS phong Lê đều là những tư liệu vô cùng quý cho những ai quan tâm đến lịch sử đời sống văn học từ giữa thế kỷ XX đến nay.  

Kính thưa GS Phong Lê và gia đình.

Kính thưa quý vị đại biểu. 

Suốt 8 năm qua, những người làm việc tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam luôn được sống trong những niềm hạnh phúc và trân trọng đặc biệt. Chúng tôi được lãnh đạo MEDLATEC quan tâm, đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất, được các nhà khoa học tin tưởng ủng hộ, ủy thác và trao tặng cho những tài liệu quý của cuộc đời. Đặc biệt, chúng tôi luôn được tiếp xúc với các nhà khoa học hàng đầu, được nghe các thầy chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời học tập, làm khoa học giảng dạy. Đó là vinh dự to lớn cho những người đang làm việc tại Trung tâm. Chúng tôi ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình khi phải bảo quản tốt và từng bước tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu tiếp cận các nguồn tài liệu mà các nhà khoa học đã trao tặng cho Trung tâm. Phải làm sao để phát huy được giá trị của những di sản các nhà khoa học, góp phần vào việc xây dựng đất nước như tâm nguyện mà các thầy theo đuổi cả cuộc đời. Nhân dịp Trung tâm vinh hạnh được tiếp nhận toàn bộ di sản cuộc đời của GS Phong Lê, tôi xin được gửi lời tri ân đến các nhà khoa học đã dành niềm tin cho chúng tôi.

 

Xin kính chúc GS Phong Lê và PGS Thanh Vân luôn mạnh khỏe.  

Kính chúc đại gia đình GS Phong Lê luôn dào dạt niềm vui và hạnh phúc.

Kính chúc tất cả quý vị sức khỏe và nhiều may mắn trong cuộc sống.  

 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy