Kính thưa GS Phong Lê.
Kính thưa thầy Nguyễn Văn Huy.
Kính thưa các nhà khoa học.
Kính thưa các vị đại biểu, các anh chị và các bạn.
Hôm nay, tôi rất vinh dự được đến đây dự một buổi lễ bàn giao tài liệu, di sản của GS Phong Lê cho Trung tâmTDSCNKHVN. Tôi cảm thấy rất may mắn trong hôm nay. May mắn thứ nhất, tôi là bác sĩ, nghề y nhưng lâu nay nghe danh của các thầy, tôi ngưỡng mộ lắm và ước có ngày nào đó sẽ được gặp lại các thầy. Nhưng không ngờ hôm nay được gặp ở đây quả thực là rất may mắn. Rồi được nghe những lời, những cách phát biểu của các nhà khoa học rất mạch lạc, rất hay. Thầy Phong Lê tóm tắt sơ lược về cuộc đời của mình, nhưng khúc triết, dễ hiểu và rút ra tính triết lý sâu sắc. Viện trưởng Viện Văn học – anh Nguyễn Đăng Điệp phát biểu rất hay trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với bài phát biểu của PGS.TS Nguyễn Văn Huy. Tôi nhiều lần nghe các bài phát biểu của thầy, nhưng bài phát biểu lần này khúc triết và mạch lạc, đủ độ dài để mọi người có thể thấm được. Có những vấn đề khái quát cao nhưng có những ý lại rất chi tiết khiến người nghe cảm động. Tôi thực sự cảm thấy mình có một buổi sáng may mắn.
Và ngày hôm nay, tôi được gặp một gia đình trí thức văn hóa – thầy Phong Lê và cô Thanh Vân cũng như con cháu của các thầy đến đây, những thế hệ học trò của thầy tề tựu về đây. Tôi cũng là một thầy giáo và tôi phải nói rằng quý lắm, cảm thấy rất hạnh phúc.
Hôm nay, tại đây chúng ta tổ chức lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật của GS Phong Lê, trước hết tôi cảm thấy rằng TTDSCNKHVN có tên là Heritist rất may mắn. Trước hết, tôi xin trình bày với các thầy ý nghĩa của tên Heritist. Báo cáo các thầy tên đầy đủ là Heritage of Vietnamese Scientists and Scholars và quả thật viết tắt kiểu gì cũng không được. Sau đó, tôi mới nghĩ trong toàn bộ câu này có 2 chữ quan trọng nhất là Heritage và Scientists. Cuối cùng, tôi chặp một nửa này vào một nửa kia. Quả thật mà nói, rất thú vị. Lúc đó, tôi có tham khảo thêm một số chuyên gia người Anh lúc đó đang làm việc ở Viện, họ bảo quá thú vị. Cho nên TTDSCNKHVN có tên là Heritist.
Hôm nay, tôi thấy Heritist quả thật rất may mắn được tiếp nhận khối tài liệu đồ sộ, quy củ, chu chỉnh mà rất nhiều trong số đó là những tài liệu rất có giá trị. Tôi đến đây đã tranh thủ xem qua, khi nào có thời gian tôi sẽ em kỹ hơn nhưng thực sự mà nói rất giản dị và tôi có thể khẳng định rằng khối tài liệu này của GS Phong Lê thực sự làm giàu gia sản của Heritist. Nó làm đẹp hơn, làm sâu sắc hơn, làm giá trị hơn khối tài sản mà Heritist có. Trong gần 10 năm làm việc thì hiện bây giờ có hơn 1000 các khối tài sản, di sản, tài liệu của hơn 1000 nhà khoa học đã tin tưởng. Và tôi cũng xin tiết lộ, những GS nổi tiếng nhất đều đã gửi gắm di sản của mình ở đây. Thế thì bộ tài liệu của GS Phong Lê ngày hôm nay trở thành một trong những loại tài sản vào loại vô giá được lưu trữ tại Trung tâm.
Một khía cạnh nữa mà tôi cho rằng nếu nhìn xa ra thì cũng có sự may mắn của các nhà khoa học. Vừa rồi thầy Lê cũng có nêu ý kiến và các anh, các chị cũng có trình bày và bản thân tôi cũng là một nhà khoa học, cũng là một Giáo sư, thì tôi biết ngay cả con tôi cũng không thể lưu giữ được tài liệu cho tôi, nhà cũng không thể xây hầm để lưu trữ được. Ở bên Nghĩa Dũng, báo cáo với các thầy, xây nhà mấy cũng không kịp để lưu trữ tài liệu. Chuẩn bị tháng 11 này sẽ khánh thành một tòa nhà để hình thành kho lưu trữ trên Hòa Bình. Và sẽ phải xây liên tục và phải để quy củ, bài bản theo đúng cách mà thầy Huy yêu cầu phải thực hiện. Từ độ ẩm, không khí, mọi vấn đề khác…để bảo quản tài liệu. Tôi hoàn toàn đồng ý với các nhà khoa học và thầy Lê, chúng ta may mắn vì chúng ta có một chỗ để lưu trữ tài liệu.
Và may mắn kế tiếp là may mắn cho thế hệ mai sau, có những di sản được gìn giữ để biết được rằng có những thế hệ trước chúng ta hết sức gian khổ, hết sức khó khăn học tập, vượt lên để viết những trang sử vẻ vang cho khoa học Việt Nam.
Báo cáo các thầy, tôi học Đại học năm 1976, ra trường năm 1982 tại Đại học Y Hà Nội. Tôi chứng kiến một thời kỳ rất khó khăn của các nhà khoa học. Và ở trung tâm có di sản là 2000 bức thư của đôi vợ chồng là GS họ gửi tới trung tâm. Tôi dành thời gian tôi đọc. Tôi đọc đến đoạn vừa đi đến buồng để thăm bệnh nhân, vừa để ý ở ngoài kia xem bán thuốc này, thuốc kia ở đâu để chuẩn bị đóng thùng mang về. Các thầy thấy thế nào? Tôi ứa nước mắt. Có những thế hệ nhà khoa học phải học trong điều kiện như vậy, phải làm việc trong hoàn cảnh như vậy và họ đã viết nên bao trang sử vẻ vang của văn học Việt Nam. Ai giữ đây? Ai lưu lại đây? Và hơn thế nữa, ai phát huy những điều đó đây để cho thế hệ sau được học tập, ngưỡng mộ, kế tiếp.
Tôi mong muốn với tư cách là thành viên của Hội đồng cố vấn, tôi muốn đề nghị.
Thứ nhất, Heritist tiếp nhận được bộ hồ sơ này, tài liệu này thì phải giữ gìn thật tốt, trân trọng như là những tài sản vô giá. Điều này còn hơn cả tiền bạc. Tiền có điều kiện ta làm ra được nhưng những cái này mất đi không có để tìm lại được. Và nhiều hơn thế nữa, phát huy cho được giá trị của những bộ di sản này. Không phải chỉ của thầy Phong Lê mà còn của tất cả những nhà khoa học đã từng, đang và sẽ tin tưởng trung tâm. Và tôi có niềm tin rằng Heritist sẽ làm được điều đó.
Thứ hai, qua câu chuyện của thầy Phong Lê tôi mới biết, thầy vẫn còn những hiện vật. Nhưng hơn thế nữa, thầy còn những câu chuyện. Thầy có 1000 phút thầy ghi âm lại tặng trung tâm. Thầy còn những câu chuyện nào nữa, nhờ thầy ghi lại để những nghiên cứu viên sẽ bóc băng, ghi lại. Việc bóc băng thực sự rất mất thời gian, nhưng nghiên cứu viên sẽ làm và đến trình lại thầy, thầy đọc và ký xác nhận. Tôi đang nói chung các nhà khoa học. Và tôi cũng thế, tôi cũng có những câu chuyện không thể viết được, không có đủ thời gian mà viết được. Cho đến tận khi nào, rồi ai cũng đến lúc phải đi gặp cụ Lê-nin, cụ Các-mác thì làm thế nào để đến lúc mình đi gặp, mình đã xong được việc ấy thì đến lúc đó mới giá trị. Bởi báo cáo với các thầy, riêng tài liệu của em, em chưa thể mang tài liệu tới trung tâm được mặc dù trung tâm đó do mình quản lý nhưng em còn làm việc, bao nhiêu thứ còn phải mở ra, phải đọc, phải tìm hiểu, phải dẫn chứng. Thưa các thầy, thưa các nhà khoa học, cái gì cần thì nhà khoa học còn giữ để làm việc thì cứ để làm việc, còn cái gì đã mang được rồi thì cứ chuyển trung tâm lưu giữ dần để sau này con cháu được biết toàn bộ hiện vật của mình. Bên cạnh đó, những nhà khoa học khác, mà lúc nãy có anh Viện trưởng Viện Văn học nói, tôi rất phấn khởi. Tôi mong rằng sự hiện diện của Viện văn học tại TTDSCNKHVN, không phải chỉ có thầy Phong Lê mà còn có nhiều nhà khoa học nữa vì ở đó Viện văn học xứng đáng cho đất nước này lưu giữ tất cả những đóng góp của các quý vị. Cá nhân tôi với tư cách nhà khoa học, tôi hết sức ngưỡng mộ các đóng góp của các nhà khoa học. Mong rằng các nhà khoa học được lưu trữ tại đây và đến khi tôi nghỉ hưu, tôi sẽ tiếp tục sự nghiệp này cùng với PGS Nguyễn Văn Huy, xin hứa với các quý vị sẽ giữ gìn, sẽ phát huy nó lên, đẹp hơn, tốt hơn, đáng để cho nhiều thế hệ nữa sử dụng, noi theo.
Xin được trân trọng cảm ơn GS Phong Lê và gia đình cũng như các đồng nghiệp, các bạn bè, những học trò của GS Phong Lê đã đến dự buổi lễ rất đặc biệt này.
Xin được trân trọng cảm ơn Heritist, đặc biệt là PGS. TS Nguyễn Văn Huy – một người thầy, người đi đầu, người đã mở đường cho sự tồn tại, phát triển và thăng hoa của trung tâm này vì nó riêng có và đặc biệt.
Xin được kính chúc các quý vị đại biểu, các anh chị, các bạn sức khỏe, hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn!
GS.TS Nguyễn Anh Trí