Nguồn cảm hứng từ những công trình khoa học





PGS.TSKH Vương Khả Cúc thổ lộ: ý tưởng viết cuốn tự truyện về gia đình, quê hương, về quá trình học tập, công tác và cuộc sống đời thường đã manh nha từ năm 1989, sau khi ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Bungari. Tuy nhiên, theo ông người làm công tác nghiên cứu khoa học thì nguồn tư liệu quan trọng và cảm hứng để viết, chính là từ những công trình nghiên cứu khoa học. Sau 37 năm hoạt động nghiên cứu khoa học, ông đã hoàn thành 8 đề tài nghiên cứu các cấp, được cấp 5 bằng phát minh sáng chế, đã chuyển giao ba công nghệ đưa vào sản xuất và 15 bài viết nghiên cứu được công bố trong và ngoài nước. Trong đó có các công trình nghiên cứu tiêu biểu như: công nghệ sản xuất sơn phát quang, công nghệ sản xuất phân bón qua lá, công nghệ thủy canh…

PGS.TSKH Vương Khả Cúc, tháng 11-2016

 

Năm 2013, ông phải điều trị căn bệnh hiểm nghèo, cũng là lúc ông bắt tay viết cuốn tự truyện, gồm 3 tập với tựa đề “Khát vọng cuộc sống”. Tập 1: Miền đất lửa, với nội dung về những năm tháng tuổi thơ – ông đã hoàn thành bản thảo; Tập 2: Đất nước hoa hồng, ông đang viết về những năm tháng học tập và nghiên cứu trên đất nước Bungari; Tập 3: Đất mẹ – ông sẽ viết về những năm tháng sống và làm việc tại Việt Nam.

Phó giáo sư Vương Khả Cúc chia sẻ: "Tôi viết cuốn tự truyện để ôn lại cuộc đời, để con cháu hiểu được thế hệ trước từng sống và làm việc như thế nào, qua đó rút ra được một vài điều bổ ích cho cuộc sống".

Lê Nhật Minh


* PGS.TSKH Vương Khả Cúc sinh năm 1951 tại Hà Tĩnh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ Hóa – Lý và Kỹ thuật môi
trường – Bộ Công an; hiện là Chủ tịch HĐKH kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Hữu cơ – Sinh học Tây Nguyên.