1. “Cảm ơn tầm nhìn thế kỷ và công việc “kiến tha lâu đầy tổ” của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Chắc chắn kho lưu trữ của Trung tâm sẽ là một vốn di sản khổng lồ và đậm nét của lịch sử Việt Nam”. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
2. “Lại một lần nữa tôi được viết vào cuốn lưu bút này. Mỗi lần là một náo nức, xúc động và kỳ vọng. Tôi coi đây là công việc có ý nghĩa đặc biệt đối với tư tưởng loài người. Hôm nay là tư tưởng của một thành viên cộng đồng người Việt. Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã như dòng sông, tích lại các hạt phù sa để mai sau nước Việt Nam có một “dải – phù sa trí tuệ”, tư tưởng của người Việt, góp vào cánh đồng tư tưởng màu mỡ của loài người mà các thế hệ sau rất khó, có khi không thể tìm lại được. Đó là giá trị lớn nhất của công việc mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã làm như là công việc hệ trọng của cả một quốc gia đáng ra phải thực hiện ở cấp Nhà nước với sự đầu tư tiền của, sức lực, trí tuệ của cả thế hệ, dân tộc. Cho tôi được giữ nguyên sự kỳ vọng, nỗi xúc động lớn của mình. Xin cảm ơn Trung tâm!”. GS.TS Nguyễn Như Ý, nguyên Phó Giám đốc, Tổng Biên tập nhà xuất bản Giáo dục.
3. “Việc làm của Trung tâm là thiết thực và bổ ích, góp cho việc nghiên cứu, lưu trữ và quảng bá hoạt động của các nhà khoa học Việt Nam đến với đông đảo công chúng, độc giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. GS.TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu lý luận, phê bình văn học – nghệ thuật, tác phẩm đầu tiên của ông công bố trên tạp chí Văn học năm 1966. Từ đó đến nay, 50 năm qua, ông đã cho ra đời nhiều công trình quan trọng khác cùng với những hoạt động thực tiễn về chỉ đạo và quản lý hoạt động văn hóa – văn nghệ trong quân đội, hoạt động tư tưởng – văn hóa, hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật trong cả nước. Chúc mừng các thành tựu và kết quả khoa học quý báu, phong phú của GS.TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng. Mong Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ các tài liệu hiện vật liên quan đến sự nghiệp khoa học của họ để đời cho con cháu mai sau nghiên cứu, góp phần xây dựng nền văn hóa, khoa học Việt Nam tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế mạnh mẽ”. PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam.
4. “Tôi lần đầu tiên đến Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và dự buổi Lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật của GS.TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng – một người đồng đội cùng cơ quan tôi một thời. Tôi mong Trung tâm mãi mãi là địa chỉ tin cậy của giới khoa học nước nhà, liên tục phát triển và có những đóng góp xứng đáng cho nền khoa học Việt Nam, cho Tổ quốc Việt Nam”. Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình.
GS.TS Đinh Xuân Dũng và PGS.TS Nguyễn Văn Huy ký biên bản bàn giao tài liệu
tại lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật
5. “Vô cùng vui mừng và xúc động được đến dự buổi lễ long trọng, ấm cùng tiếp nhận di vật khoa học của GS.TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. GS.TS Đinh Xuân Dũng là người đồng môn, là bạn thân thiết, chí cốt của tôi, của chúng tôi. Anh Đinh Xuân Dũng được vào thẳng đại học do đạt giải ba thi văn giỏi toàn quốc (miền Bắc) năm học 1961-1962. Có thể nói người trẻ nhất (sinh năm 1945) lại nhỏ bé nhất lớp song con người bé nhỏ lại có nghị lực, ý chí, trí tuệ, quyết tâm thuộc hàng đầu của lớp. Quả đúng là người bé trí lớn đã theo anh Dũng cho đến ngày hôm nay – ngày tài liệu, hiện vật, tranh ảnh của anh được tiếp nhận, lưu giữ ở Trung tâm. Tôi thực sự vui mừng chúc mừng GS.TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng. Chúc mừng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có hoạt động đầy ý nghĩa, có lễ tiếp nhận xứng đáng này. Là người làm khoa học, là bạn của GS.TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng, chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh, cảm ơn và hy vọng có dịp tham dự các hoạt động, sự nghiệp đầy ý nghĩa này của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam”. GS.TS Lê Quang Thiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
6. “Thầy tôi – GS.TS Đinh Xuân Dũng là con người tận tâm: tận tâm sống, tận tâm làm việc, tận tâm yêu thương. Thầy là người có nhiều ảnh hưởng đến tôi, luôn chỉ cho tôi những cách nhìn, tuy nhất quán, kiên định nhưng cũng rất linh hoạt, uyển chuyển. Trên hết, sự bao dung của thầy với tôi là không thể kể hết ở đây. Tuy không được làm việc quá lâu với thầy nhưng từng ấy cũng là quá đủ để tôi nghĩ đến ân tình, đến tình yêu thương của thầy với tôi trong suốt những tháng năm trước mắt. Tại lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật của thầy hôm nay, tôi tin chắc rằng chúng ta vẫn chưa nêu đủ những đóng góp của thầy cho nền khoa học nhân văn, cho nền văn hóa nước nhà. Tuy nhiên, tôi hiểu những nỗ lực của chúng ta hôm nay thật đáng trân quý biết bao. Tôi xin chúc mừng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, xin chúc mừng và tri ân những đóng góp của thầy – GS.TS Đinh Xuân Dũng. Tôi có mong muốn và niềm tin lớn lao rằng thầy sẽ tiếp tục làm việc, sẽ tiếp tục đóng góp cho học thuật nước nhà; và tôi cũng có niềm tin lớn lao rằng Trung tâm sẽ bảo quản và sử dụng có hiệu quả các tài liệu hiện vật của GS.TS Đinh Xuân Dũng. Đó là trách nhiệm của chúng ta trước thầy!”. Đinh Văn Thuần, Phó Chánh văn phòng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TW.
7. “Tôi vô cùng thích thú khi lần đầu tiên được biết có một Trung tâm lưu giữ các di sản khoa học ra đời. Đây sẽ là kho tàng tri thức vô giá, nhờ vậy mà những vốn quý trí tuệ và nhân văn của dân tộc ta sẽ không mất đi hoặc phân tán rải rác như trước. Thế hệ hiện nay và mai sau sẽ biết ơn sáng kiến và việc làm của Trung tâm đối với việc bảo tồn kho tàng văn hóa nhân loại”. Nhà văn Hạ Bá Đoàn.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam