Biết vậy mà tôi vẫn không khỏi bàng hoàng day dứt khi nghe tin ông về cõi khác. Tôi nợ PGS Nguyễn Thạch Giang những cuộc thăm hỏi, chuyện trò và một cuốn sách chưa kịp trả – cuốn Thích-Ca-Mâu-Ni Phật của Tinh Vân Đại Sư, do nhà văn Dương Thu Ái dịch. Bìa trong, nhà văn có những lời đề tặng thật đẹp: "Kính tặng thầy Thạch Giang. Em là người học trò cách đây 58 năm của thầy, nguyện đi theo con đường thầy đã đi mãi mãi".
Sách là sợi dây kéo tôi đến với cái duyên được gần gũi PGS Nguyễn Thạch Giang. Trước kia, dù chưa gặp nhưng từ trong tâm tưởng, tôi đã luôn ngưỡng mộ ông – một học giả với trên 70 đầu sách đã xuất bản, mà chủ yếu là những nghiên cứu về văn học Hán – Nôm. Có biết bao tác phẩm của các tác gia lớn trong nền văn học Việt Nam từ trung đại đến cận hiện đại được ông sưu tầm, khảo đính và xác lập giá trị, tiêu biểu nhất là Truyện Kiều. Rồi những sách: Từ ngữ văn Nôm, Từ ngữ điển cố văn học, Từ điển văn học quốc âm… trở thành cẩm nang không thể thiếu cho thế hệ sau tìm lại di sản cha ông.
Biết tôi yêu thơ nên trong cuộc gặp gỡ đầu tiên vào năm 2013, ông tặng cho cuốn Lời quê chắp nhặt, tập 4, in những bài thơ ông viết, rải rác trong ba chủ đề: Hai lần em – Mơ mùa chín; Trang thu; Bài thơ và dòng chảy. Hôm ấy vào đúng tiết xuân phân, Hà Nội mưa phùn, ẩm ướt, nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tới ghi hình PGS Nguyễn Thạch Giang tại nhà riêng. Ông chia sẻ về một kỷ niệm đặc biệt với GS Nguyễn Văn Huyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Giọng ông khoẻ, nhịp điệu trầm bổng rõ rệt, cảm xúc như còn nguyên vẹn. Buổi trưa, sau khi kết thúc công việc, vị học giả sinh năm 1928 kéo chúng tôi ra quán bia hơi gần nhà để tiếp tục trò chuyện. Bất ngờ hơn bởi một lát sau GS.TS Phạm Đức Dương cũng có mặt tại bàn nhậu. Câu chuyện mỗi lúc một rôm rả. Trong khi “thần bia” một thời – GS Phạm Đức Dương uống “sòng phẳng” với đám trẻ chúng tôi, thì PGS Nguyễn Thạch Giang cũng đều đặn nâng cốc, nhấp môi, rồi… lại đặt xuống. Cả buổi, ông uống vỏn vẹn nửa cốc bia.
PGS Nguyễn Thạch Giang tại nhà riêng, ngày 5-4-2015
Phó giáo sư Nguyễn Thạch Giang là một học giả chân quê, và chân tình. Ngoài những lúc tự khép mình cô đơn trong thư phòng để tìm thấy niềm hưng phấn cao độ của nghiệp viết lách, ông cũng ham vui với bạn bè và lớp hậu sinh mà chẳng bao giờ câu nệ. Sau này, khi đã trở nên thân quen, ông thường gọi tôi đến nhà để trò chuyện. Ông có thói quen đứng khua khua đôi bàn tay trong khi thao thao nói về một chủ đề mà mình đang quan tâm, hoặc cũng có khi… bức xúc. Có lần, chắc là cao hứng, ông khui sẵn chai rượu vang, chờ tôi đến rót cho cả hai. Vui nhất là được ông tặng sách mang về. Trên mỗi cuốn sách, ông đều cẩn thận đóng một con dấu đỏ, nắn nót ký và viết thêm một lời đề tặng rất riêng, chẳng hạn: Nhà văn đã có phần rồi/ Sách này giữ lại tặng người mắt xanh… Được đọc và sở hữu cuốn sách có chữ ký của tác giả, ai mà không vui?
Ông hay nói với tôi, và với nhiều người rằng "thời của mình đã hết", tự cho mình là "người quên được đời và được đời quên". Vì lẽ đó, năm 2005, ông viết thư từ chối lời đề nghị làm hồ sơ xin xét giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng xem ra đời vẫn chưa quên Nguyễn Thạch Giang. Năm 2012, ông được nhận giải thưởng Phan Châu Trinh vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu văn học Hán – Nôm của Việt Nam. Cùng hạng mục giải thưởng nghiên cứu năm ấy còn có nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê. Trong bài phát biểu của mình hôm đó, Nguyễn Thạch Giang nhắc lại những điều ông đã viết từ năm 1970: Làm một việc gì, lòng tôi bao giờ cũng hướng về ba phía: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhìn lại quá khứ để biết ơn ông cha ta đã cho ta cái làm hôm nay. Nhìn vào hiện tại để biết ơn người hôm nay đã giúp ta làm cái hôm qua. Và, nhìn vào tương lai để dám nhận trách nhiệm của mình đối với những thế hệ mai sau…
Từng ngày trôi qua, PGS Nguyễn Thạch Giang cứ cần mẫn với việc bút nghiên như một cách để trả nợ đời, cho đến khi sức khoẻ ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Mấy tháng trước, ông còn làm việc với nhà in để xuất bản Lục Vân Tiên và Truyện Kiều dưới hình thức in màu. Chưa kịp nhìn thấy những tác phẩm mà mình biên soạn, giới thiệu từ cách đây mấy chục năm ở trong một diện mạo mới thì buổi chiều 14-3-2017 trái tim ông vĩnh viễn ngừng đập.
"Sẽ không quá lời khi nói rằng: Chừng nào người Việt còn biết đến Truyện Kiều như một tài sản dân tộc, nhớ đến Nguyễn Du như một danh nhân văn hoá dân tộc và thế giới thì chừng ấy người ta sẽ vẫn không quên PGS Nguyễn Thạch Giang – người đã khảo đính Truyện Kiều để cho nó được tồn tại với thực sự Chân – Thiện – Mỹ!" – PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Chủ nhiệm khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã xúc động bày tỏ trong điếu văn tiễn biệt vị học giả đáng kính.
Trong giây phút ấy, tôi chợt nhớ đến những điều ông Nguyễn Dy Niên (nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) từng viết: Thạch Giang như dòng sông lặng trôi, vượt qua bao thác ghềnh, tưới tắm phù sa cho bao cánh đồng, và đã hiểu lẽ huyền vi của tạo hóa để dù uốn lượn đi đâu cũng về với đại dương bao la…[1]
Đỗ Minh Khôi
* PGS Nguyễn Thạch Giang (1928-2017), quê ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông là nhà nghiên cứu văn học Hán – Nôm, nguyên là giảng viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
[1] Nguyễn Dy Niên, “Đôi điều về PGS Nguyễn Thạch Giang”, trong Lời quê chắp nhặt, tập 3, của tác giả Nguyễn Thạch Giang, Nxb Khoa học xã hội, 2008.