Khai mạc Triển lãm ”Thẳm sâu trong từng kỷ vật”





Tham dự Lễ khai trương triển lãm, có đại diện lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, huyện Cao Phong và các sở, ban ngành của tỉnh, huyện; đại diện bảo tàng, các trường phổ thông trong huyện; đặc biệt có sự tham dự của 15 nhà khoa học và gia đình, cùng các thành viên trong Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo Bệnh viện MEDLATEC (cơ quan đầu tư cho Trung tâm và Công viên), Ban lãnh đạo, tập thể cán bộ nhân viên hai đơn vị Trung tâm Di sản và Công viên Di sản (gọi tắt là HERITIST).

Sau phát biểu khai mạc của Giám đốc điều hành Trung tâm – ThS Trần Bích Hạnh, những phát biểu, chia sẻ của các đại biểu, đặc biệt là GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu (đại diện các nhà khoa học) và GS.TS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí (người sáng lập, cố vấn cao cấp của HERITIST), đã ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của tập thể HERITIST trong việc sưu tầm, lưu giữ và từng bước phát huy giá trị cốt lõi những di sản của các nhà khoa học trong cộng đồng xã hội, đặc biệt cho thế hệ trẻ.

Trong triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” lần này, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lựa chọn 100 kỷ vật của 83 nhà khoa học trong số gần 50 vạn tài liệu hiện vật của hơn 1200 nhà khoa học đang được lưu giữ, bảo quản tại Trung tâm để giới thiệu với công chúng. Với ba chủ đề chính: Học tập, lập thân, lập nghiệp/ Đóng góp, cống hiến, hi sinh/ Tình yêu đôi lứa, gia đình, quê hương, những kỷ vật được giới thiệu tại Triển lãm đã thực sự gợi lại những ký ức, kỷ niệm một thời không chỉ đối với các chủ nhân các kỷ vật và gia đình, mà đã làm xúc động sâu sắc đối với đồng nghiệp cùng thời, với các thế hệ học trò và đông đảo công chúng tham quan triển lãm. Xin được chia sẻ cảm nghĩ của các nhà khoa học:

GS.TS Bùi Minh Toán “Thật là cảm động khi được thăm Triển lãm của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Mỗi kỷ vật đều thấm đẫm ký ức về cuộc đời và hoạt động khoa học. Nhìn lại kỷ vật của bản thân mình, tôi lại nhớ đến hoạt động khoa học một thời”.

PGS.TS Lê Văn Minh “Mới đầu, tôi phân vân do dự lắm, nhưng qua quá trình tiếp xúc, làm việc với các em ở Trung tâm, chứng kiến sự nghiêm túc, trân trọng, cần cù làm việc, xử lý đối với từng hiện vật, tôi gửi gắm một phần hồn của tôi vào đây”.

Cháu Lê Kinh Trang – cháu ngoại cố GS.TS Lê Quang Long viết: “Nếu như có ông ngoại mình là GS.TS.NGND Lê Quang Long ở đây ngày hôm nay, chắc chắn ông sẽ hào hứng tham quan và vỗ tay khen “xuất sắc”. Nhìn kỷ vật của ông được nâng niu, trân trọng, gia đình cảm thấy vô cùng quý hóa”.

Cô Bùi Duy Thường (khách tham quan) xúc động “Xem và nhìn những kỷ vật tại đây mà lòng nhớ tới cha của mình. Ngày cha đi bộ đội và cha phục viên về địa phương là một người thương binh ¼. Nay cha đã mất, con nhớ cha và nhớ những kỷ vật mà cha mang từ chiến trường về, giờ con vẫn giữ những kỷ vật của cha”.

Triển lãm sẽ mở cửa đón chào khách tham quan đến cuối năm 2018, hy vọng và tin tưởng những câu chuyện trong “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” sẽ làm sống lại những kỷ niệm sâu sắc một thời, đồng thời có ý nghĩa giáo dục, bổ ích đối với công chúng tham quan.

Một số hình ảnh tại Lễ khai mạc Triển lãm:


 
Giám đốc điều hành Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam – ThS Trần Bích Hạnh

phát biểu Khai mạc triển lãm


 
Đại diện Ban lãnh đạo HERITIST, tỉnh Hòa Bình và nhà khoa học cắt băng khai trương Triển lãm


 
Các vị khách quý tới tham dự Khai mạc triển lãm


 
Cô Bùi Lệ Dung (thứ hai từ trái) xúc động trước những kỷ vật của cha mình – GS Bùi Phan Kỳ


 
Lưu bút của các nhà khoa học tại Triển lãm

Nguyễn Thành