Tập 7 – ”Di sản ký ức của nhà khoa học” ra mắt bạn đọc





Cuốn sách dày hơn 400 trang, khổ 16 x 24cm, với 43 bài viết là 43 câu chuyện về tình thầy trò, về những chia sẻ, bộc bạch của nhà khoa học trên những chặng đường họ đã trải qua và cả những trăn trở, ấp ủ của họ về một nền khoa học, đào tạo vì con người.

 

 

Năm bài viết trong chủ đề Tôn sư trọng đạo đã phác họa một cách sống động chân dung, tính cách, tâm huyết và cả những định hướng trong tương lai cho học trò của các thầy – GS Trần Hữu Tước, GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, GS Tôn Thất Tùng, GS Hoàng Đình Cầu… qua ký ức và lời kể của những người trong cuộc. “Con người thầy trong công việc rất nghiêm khắc, nhiều khi “ngoa ngôn”, lúc tức giận thì mặt đỏ au, nhưng cũng hay mủi lòng, giàu tình cảm", GS.TS Nguyễn Tiến Bình nhớ về người thầy kính yêu của mình – GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân.

Giáo sư Ngô Ngọc Liễn đã khẳng định: Tôi có được cuộc sống như ngày nay, vừa làm tốt chuyên môn, vừa nghiên cứu văn học, lịch sử cũng là nhờ tiếp thu từ GS Trần Hữu Tước. Thầy luôn nhắc: “Muốn làm thầy thuốc giỏi phải có văn hóa tốt”.

Hai mươi ba câu chuyện trong chủ đề Hành trình lập nghiệp đã kể về quá trình lập thân, lập nghiệp của các nhà khoa học. Dù ở cương vị nào và ở bất cứ nơi đâu, họ đều cống hiến hết sức mình cho khoa học, cho cộng đồng. Đó là câu chuyện về PGS.TS Trần Đức Hạnh, người có 6 năm làm chuyên gia tại Châu Phi, giúp nước bạn phát triển nông nghiệp; “Bà đồ nho” Trần Thị Băng Thanh với câu chuyện về cái duyên – nghiên cứu Ngô Thì Sĩ – đã dẫn bà đến với nghiệp nghiên cứu văn học cổ, hay GS.TSKH Lê Huy Bá – người đã từng dành 7 năm tuổi trẻ rong ruổi khắp Nam bộ để tìm hiểu và nghiên cứu về đất phèn…
 
Từ cơ duyên, hay từ định hướng của những người thầy nhưng trên hết đó là sự quyết tâm, nghị lực, niềm say mê và tâm huyết đối với con đường mình đã chọn, họ đã mang đến Quả ngọt cho đời.

Qua 15 câu chuyện trong chủ đề này bạn đọc sẽ phần nào thấu hiểu những cống hiến hết mình của các nhà khoa học để đóng góp cho khoa học, cho xã hội: Giáo sư Văn Tạo (Nguyễn Văn Đào) bằng con đường tự học, tự nghiên cứu đã dành “trọn một đời vì công minh lịch sử”; Giáo sư Lê Duy Thước đã chọn cho mình một lối rẽ từ Y học sang Nông nghiệp và trở thành một nhà nông học tài năng và giản dị…

Trong suốt 10 năm qua Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu hàng nghìn nhà khoa học; sưu tầm, lưu giữ hơn 50 vạn tài liệu, hiện vật. Để phát huy những giá trị di sản vô cùng quý giá đó, các tác giả đều cố gắng tìm tòi, phát hiện những điểm đặc sắc, khác biệt ở mỗi nhà khoa học, qua đó phác họa nên chân dung những con người đã dấn thân trên con đường khoa học đầy chông gai nhưng cũng vô cùng hạnh phúc. Dù có thể là khác biệt về hoàn cảnh xuất thân, trải qua những trắc trở, gian nan trên con đường đến với khoa học nhưng ở họ đều có điểm chung, đó là niềm say mê và kiên định với con đường mà họ đã chọn.

Với các tác giả, được làm việc với các nhà khoa học là một điều may mắn, đặc biệt đối với những nhà khoa học đã đi xa… họ luôn nỗ lực khai thác, nghiên cứu để phát huy tốt nhất giá trị những di sản của các nhà khoa học. Bởi đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tấm lòng tri ân đối với những người đã cống hiến trọn đời mình cho khoa học và cho cộng đồng.

Lê Phương Chi