Nghị lực của ông giáo khiếm thị





Năm 1979, khi đang tham gia chuyến công tác tại Hà Lan, ông Chu Xuân Anh mắc căn bệnh giảm thị lực và phải về nước điều trị, nhưng bệnh tình ngày càng nặng khiến mắt ông gần như bị mù khi chỉ còn 2/10 thị lực.

 

PGS Chu Xuân Anh

Không chấp nhận số phận, ông tiếp tục tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học “dựa vào đôi mắt của học trò và đồng nghiệp”. Mặc dù thị lực kém nhưng bù lại ông có trí nhớ và khứu giác tốt, chỉ cần ngửi mùi hóa chất trong khi làm thí nghiệm là có thể biết thí nghiệm đang ở giai đoạn nào. Năm 1990, ông tham gia sinh hoạt với hội người mù Hà Nội và bắt đầu học chữ nổi. Chính nhờ hệ thống chữ nổi cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thông qua bộ đọc tiếng Việt sao mai VN-Voice (của Trung tâm Tin học vì người mù Sao Mai), đã hỗ trợ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu của ông được thuận tiện hơn.

Đam mê, nhiệt huyết với nghề, với nghiên cứu khoa học đã giúp PGS Chu Xuân Anh có một nghị lực phi thường để vượt qua mọi khó khăn, để rồi từ năm 1988, ông cùng một số đồng nghiệp trong khoa đã được Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước cấp Bằng tác giả số 036 cho sáng chế: “Phương pháp tách I-on đồng từ dung dịch Complexonat đồng”. Và sau hơn 50 năm gắn bó với khoa Hóa, trường Đại học Khoa học tự nhiên, ông đã chủ nhiệm 4 đề tài khoa học, hướng dẫn thành công 7 nghiên cứu sinh, viết trên 50 bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước. 

Lê Nhật Minh