Làm việc với GS.TS Đỗ Năng Vịnh





GS.TS Đỗ Năng Vịnh đã thành công trong việc đưa nhiều giống mới và quy trình công nghệ mới áp dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp, trong đó có giống cam V2.

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện cụ thể, ghi dấu trên chặng đường phát triển
khoa học không chỉ của ông mà cả của Viện Di truyền nông nghiệp

GS.TS Đỗ Năng Vịnh sinh năm 1951 tại Phú Thọ. Tốt nghiệp ngành Di truyền học của trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva năm 1975, ông trở thành nghiên cứu viên chính của Viện Sinh học, Viện khoa học Việt Nam; Trưởng bộ môn nuôi cấy mô và tế bào thực vật (tiền thân Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào thực vật (1984-1993); Phó viện trưởng viện Di truyền nông nghiệp (1993-2011); Giám đốc Phòng thí nghiệm liên kết Việt-Pháp (từ 2011-nay). Song song với công tác giảng dạy ông còn nghiên cứu các vấn đề: Xác định các gen quan trọng quy định cấu trúc rễ lúa; Công nghệ RNAi gây bất hoạt gen để kiểm soát bệnh virus; Áp dụng cứu phôi đột biến thực nghiệm cho chọn tạo giống cây ăn quả có múi không hạt... Hiện nay dù đã nghỉ hưu nhưng ông rất nhiệt huyết trong công tác tư vấn cho các doanh nghiệp về phát triển nông nghiệp; giảng dạy trường Đại học Việt-Pháp.

GS.TS Đỗ Năng Vịnh đã nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi các bức ảnh do chính tay ông chụp về hoạt động nông nghiệp. Đối với ông, những bức ảnh được chọn lọc có những câu chuyện cụ thể, ghi dấu ấn trên chặng đường phát triển khoa học không chỉ của ông mà của Viện Di truyền nông nghiệp. Nhắc đến địa chỉ Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại huyện Cao Phong, Hòa Bình, GS.TS Đỗ Năng Vịnh tự hào là một trong những người nghiên cứu đưa giống cam chín muộn – V2 về mảnh đất Cao Phong, Hòa Bình từ năm 2004. Sau đó Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia và chủ trương mở rộng diện tích trồng ở nhiều địa phương.

Cuối buổi làm việc, GS.TS Đỗ Năng Vịnh cũng bày tỏ: "Ý tưởng thành lập Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam rất tốt và đặc biệt. Hy vọng Trung tâm sẽ phát huy hiệu quả tấm gương của những nhà khoa học ở các lĩnh vực để truyền lửa cho thế hệ sau có lòng yêu khoa học. Về phần tôi, dù đang rất bận nhưng sẽ bố trí thời gian để chọn lọc những thông tin, tư liệu chất nhất gửi vào Trung tâm".

Lưu Thị Thúy