Người đặt nền móng cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam

Nghiên cứu của họ được tiến hành trong các năm 1957-1962 về tương tác các hạt cơ bản và hạt nhân năng lượng cao, dẫn đến việc phát hiện phản hạt hyperon sigma âm, là một đóng góp rất có giá trị cho nền khoa học thế giới.

GS Nguyễn Đình Tứ (1932-1996) sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo ở xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ, ông nổi tiếng trong vùng là một “thần đồng Toán học”. Giai đoạn 1951-1957, ông được cử sang Trung Quốc học, rồi tốt nghiệp kỹ sư thủy lợi ở Trường Đại học Vũ Hán. Một bước ngoặt đã đến khi ông được Nhà nước Việt Nam cử lãnh đạo một nhóm gồm 3 trí thức trẻ ưu tú sang Liên Xô cộng tác nghiên cứu ở Viện Liên hợp nguyên tử Dubna, một trung tâm khoa học hạt nhân thuộc loại lớn nhất thế giới thời bấy giờ. Bắt đầu từ tháng 8-1957, ông trở thành cộng tác viên của Phòng thí nghiệm năng lượng cao. Ngày đó, Viện sĩ Veksler đã đề xuất nguyên lý và chỉ đạo xây dựng thành công ở Dubna máy gia tốc Synchrophasotron tiên tiến hàng đầu thế giới. Nhóm nghiên cứu của nhà vật lý trẻ Nguyễn Đình Tứ dưới sự lãnh đạo của Viện sĩ Veksler đã tiến hành nhiều thực nghiệm trên máy gia tốc đạt được những kết quả nổi bật.

 
GS Nguyễn Đình Tứ (đứng giữa) gặp lại Viện sĩ Veksler tại Dubna, năm 1981. Ảnh tư liệu

PGS, TS Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, trong một bài viết nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của GS Nguyễn Đình Tứ đã nói về những thành tựu nghiên cứu của ông lúc đó: “Từ một kỹ sư thủy lợi, bằng con đường tự học, chỉ một thời gian ngắn, với sự thông minh trời phú, GS Nguyễn Đình Tứ đã nắm bắt khá sâu sắc những kiến thức vật lý lý thuyết cần thiết và làm chủ các phương pháp thực nghiệm, đi tiên phong trong sử dụng công cụ máy tính còn rất mới mẻ thời kỳ đó. Ông đã có đóng góp xuất sắc vào những thành tựu nghiên cứu của tập thể khoa học quốc tế với hơn 40 công trình đã công bố. Ở tuổi 30, nhà vật lý trẻ của Việt Nam thay mặt nhóm phát minh trực tiếp đến báo cáo ở diễn đàn Hội nghị khoa học quốc tế về năng lượng cao các kết quả phát hiện bằng thực nghiệm hiện tượng chưa biết trước đấy về sự tạo thành phản hạt hyperon sigma âm, với khối lượng 2.340 lần lớn hơn khối lượng electron, tích điện dương, thời gian sống bằng một phần mười tỷ giây và về sự phân rã thành các hạt pimeson dương và phản notron. Phát hiện này là bằng chứng khẳng định khái niệm phản hạt và phản vật chất do nhà vật lý nổi tiếng P.Dirac nêu ra từ năm 1930, được Feynman và Stuckelberg hoàn thiện vào thập kỷ 40 của thế kỷ 20. Ngay sau khi công bố công trình, tác giả Nguyễn Đình Tứ đã nhận được giải thưởng của Hội đồng khoa học Viện Liên hợp nghiên cứu nguyên tử Dubna, năm 1968 được Chính phủ Liên Xô cấp bằng phát minh cùng với nhóm tác giả quốc tế. Đến năm 2000, Nhà nước ta đã trao Giải thưởng Hồ Chí Minh tặng giáo sư về Cụm công trình phát hiện phản hạt hyperon sigma âm và tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao”.

Chia tay với những đề án thí nghiệm còn dang dở trên máy gia tốc hiện đại ở Secpukhov, tháng 7-1971, GS Nguyễn Đình Tứ trở về nước. Từ tháng 6-1976, ông là Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, sau đổi thành Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia. Ông là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, VI; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII… Dù bận rộn với những trọng trách ở ngành giáo dục đại học và sau này là trọng trách Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, ông vẫn dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng ngành năng lượng nguyên tử đất nước. Dưới sự lãnh đạo của ông, ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam non trẻ trong 20 năm đầu tiên đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Lò phản ứng Đà Lạt đã được khôi phục và mở rộng. Công nghệ chiếu xạ đã được triển khai thí điểm tại Đà Lạt, Hà Nội và mở rộng trên quy mô sản xuất ở TP Hồ Chí Minh. Các cán bộ khoa học có trình độ đã được tập hợp, phát huy, nhiều cán bộ trẻ được đào tạo và trưởng thành. Ông cũng đã mở đường và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), với Liên Xô (trước đây), Ấn Độ và Nhật Bản…

Năm 1996, GS Nguyễn Đình Tứ bị cơn đau tim đã đột ngột từ trần để lại bao hoài bão còn dang dở cùng bao niềm tiếc thương, trân trọng và ngưỡng mộ của người thân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp.


Phạm Quang Đẩu
Nguồn: http://sknc.qdnd.vn/nhan-vat/