Khi tìm hiểu về cha mình, PGS Nguyễn Văn Huy luôn băn khoăn, trăn trở về thời gian cụ Huyên học tập ở Pháp, về quá trình làm luận văn Tiến sĩ, xuất bản sách… của cụ. Ông đã nhiều lần đến Pháp nhưng chưa một lần trực tiếp vào kho lưu trữ của Pháp. Bất ngờ có một vị khách là doanh nhân đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Vị khách này rất xúc động về bảo tàng, về cuộc đời của cụ Nguyễn Văn Huyên và tấm lòng của những người con dành cho cha mẹ. Biết PGS Nguyễn Văn Huy chưa bao giờ đến Montpelier – nơi cụ Huyên học tập, ông ngỏ ý muốn tặng PGS Nguyễn Văn Huy một chuyến đi Pháp để biết nơi cụ đã học và thành tài.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể cho chúng tôi về hành trình của ông thông qua từng tấm bản đồ (thành phố Paris và Montpelier), chiếc vé máy bay và các bản ghi chép…
Từ một tấm thẻ cá nhân của cụ Nguyễn Văn Huyên như thế này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã tìm lại đúng địa chỉ ngôi nhà số 26, phố Plantes ở Paris, nơi cha đã sống
Với PGS Nguyễn Văn Huy, chuyến đi 15 ngày này đầy thú vị, mỗi ngày là một điều bất ngờ, bởi ông khám phá ra nhiều chuyện về cha mình. Nhất là qua những tư liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Aix-en Provence, ông phần nào giải đáp được câu hỏi lớn bấy lâu nay: tại sao một trí thức được đào tạo bài bản, một nhà khoa học ở địa vị xã hội cao thời Pháp thuộc như cụ Huyên lại sẵn sàng dấn thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và hi sinh sự nghiệp khoa học của mình. Đó là những tài liệu chưa từng được khai thác và biết đến về cụ Huyên. Trong đó có cuốn học bạ thời phổ thông tại trường Lycée Albert Sarraut của cụ (1918-1926); Sổ ghi chép cá nhân (của Sở Quản lý và trợ giúp người bản địa tại Pháp) có ghi rõ số thẻ căn cước của cụ Huyên; Báo cáo của mật thám Pháp ghi rõ cụ Huyên là người hoạt động tích cực trong giới sinh viên An Nam… Đặc biệt, có một báo cáo đóng dấu “Mật” của Bộ Nội vụ gửi Bộ Thuộc địa cho biết cụ Huyên từ Montpelier lên Paris từ 10-1929 để làm luận văn Tiến sĩ và ghi rõ về cuộc sống và thái độ chính trị của cụ.
Dường như niềm vui sướng khi tìm thấy những thông tin tư liệu về cha, rồi cảm giác hạnh phúc khi bước chân trên những con phố và vào ngôi nhà cha đã từng gắn bó vẫn vẹn nguyên trong PGS Nguyễn Văn Huy.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ sớm ra mắt phim tài liệu về cuộc hành trình tìm lại dấu chân cha đầy ấn tượng này.
Trần Bích Hạnh