PGS.TS Phạm Xuân Hằng, tháng 2-2017
Đó là một ngày cuối tháng 2-2017, khi Thầy đã phải ngồi xe lăn do căn bệnh tai biến kéo dài 7 năm, nhưng trí nhớ vẫn khá minh mẫn. Với giọng nói không tròn vạnh,thầy kể: Mình sinh năm 1950 tại tỉnh Thái Bình nổi tiếng với câu vè “tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành” mà chúng mình đã tự hào sửa lại là “tay sách tay bút khắp nơi tung hoành”, để làm thầy”….
Cũng trong câu chuyện của Thầy, chúng tôi được biết thêm, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Lưu trữ lịch sử quốc gia Moskva, Liên Xô ngành Sử liệu học (1971-1976), Thầy về nước và làm giảng viên khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Nhà C1 Mễ Trì (thuộc quận Thanh Xuân) vừa là văn phòng khoa vừa là nơi ở của các thầy giáo độc thân, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của thầy Phạm Xuân Hằng cùng các đồng nghiệp, đặc biệt là “hội làng khói”. Lúc đó, thuốc lá rất hiếm nên mọi người hút phải tiết kiệm, các mẩu thuốc thường được Thầy tắt đi và ném vào gầm giường để khi “buồn mồm” sẽ lấy ra, bóc sợi thuốc cuốn lại thành điếu hút cũng đủ vài hơi.
Đầu những năm 90, ngoài công tác nghiên cứu, PGS.TS Phạm Xuân Hằng còn đảm nhiệm nhiều cương vị quản lý như Hiệu phó, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (1995-2006), Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Dù ở vị trí nào, thầy cũng giữ mãi tác phong khiêm tốn, điềm tĩnh nhưng quyết đoán để tạo sự thay đổi cho công việc tốt lên.
Giám đốc Trần Bích Hạnh (thứ 3 từ phải sang) cùng các cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chia buồn cùng gia quyến
Dù đã rời cõi tạm, nhưng di sản khoa học mà PGS.TS Phạm Xuân Hăng để lại cho đời còn mãi, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xin gửi tới gia đình và người thân của PGS.TS Phạm Xuân Hằng lời chia buồn sâu sắc!
Ngô Văn Hiển