Trong số 100 hiện vật đang được trưng bày ở Triển lãm Thẳm sâu trong từng kỷ vật tại tòa nhà S1 của Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), bộ “Bài chơi tiếng Việt” là hiện vật khá hấp dẫn, bởi khách tham quan có thể tương tác, trải nghiệm trực tiếp cùng bộ bài.
Vậy bộ bài này có gì đặc biệt? “Bài chơi tiếng Việt” là một trong 4 bộ bài ngôn ngữ – cũng là công trình khoa học tâm đắc nhất của PGS.TS Trần Vĩnh Phúc[1] . Là một giảng viên dạy tiếng Nga, ông luôn trăn trở về phương pháp giúp sinh viên học tiếng nước ngoài nhanh hơn, hiệu quả hơn. So với cách học thụ động trên lớp, ông hiểu lợi ích và sự hấp dẫn từ các trò chơi ngôn ngữ mà ông ấp ủ: môi trường học tập vui vẻ, thúc đẩy động cơ học tập, tính tương tác cao… Dựa trên những tiêu chí đó, năm 1978, ông đã cho ra đời những cỗ bài ngôn ngữ: Bài chơi tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt và bộ Domino tiếng Anh. Sức hút và giá trị của các bộ bài được khẳng định qua hàng loạt các giải thưởng: Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo (1982); Huy chương Sáng tạo khoa học – kỹ thuật của Tuổi trẻ tại triển lãm quốc tế Moskva (1982) và Berlin (1984)…
Các bộ bài ngôn ngữ không chỉ là học cụ hữu ích mà còn là trò chơi trí tuệ thuần túy giống như cờ vua, domino… dành cho mọi lứa tuổi, không phân biệt trình độ học vấn, nghề nghiệp. Riêng “Bài chơi tiếng Việt” (hay còn gọi là Bài chơi Phúc Anh, viết tắt là BCV) còn khơi dậy tình yêu quê hương và tiếng mẹ đẻ thiêng liêng của mỗi người dân Việt
[2]. Năm 1996, với mong muốn các em học sinh khiếm thị cũng có thể tiếp cận trò chơi này, PGS Trần Vĩnh Phúc đã in thêm chữ dập nổi trên các quân bài. “Giây phút chứng kiến các em dò dẫm một cách thận trọng, rê đi rê lại những chấm chữ dập nổi ở góc các quân bài, lòng tôi không khỏi nghẹn ngào
[3]” – PGS Trần Vĩnh Phúc chia sẻ.
Lớp Xóa mù trường phổ thông Nguyễn Văn Tố trong cuộc Thi chơi bài ngôn ngữ – 96, doTạp chí Ngôn ngữ tổ chức tại Hà Nội, 1996
Bộ bài “Bài chơi tiếng Việt” gồm 52 quân chữ và thanh dấu. Mặt trước mỗi quân bài là những hình ảnh giới thiệu về văn hóa, đất nước Việt Nam, mặt sau là hình hoa văn trống đồng – biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Về luật chơi, “Bài chơi tiếng Việt” dựa trên nguyên tắc tấn – đỡ và quy tắc ngữ pháp tiếng Việt để lập các từ và câu ở cấp độ câu bằng ngôn ngữ nói. Trong một ván bài cần từ 2 đến 6 người tham gia. Sau khi chia 8 quân bài cho mỗi người chơi, người tấn ra các quân chữ và lập từ/câu tương ứng với chữ đó, nếu người đỡ không có quân chữ phù hợp để tiếp tục ghép từ/câu của người tấn hoặc đặt từ/câu sai chính tả, ngữ pháp sẽ phải “bê” lên tất cả các quân chữ và mất một lượt “tấn”. Thời gian mỗi ván bài dao động từ 5-10 phút.
Cả phụ huynh và các em nhỏ hào hứng với “Bài chơi tiếng Việt” tại Triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật trong dịp Tết Mậu Tuất 2018
Trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhiều khách tham quan, đặc biệt là các em nhỏ rất hào hứng khi trải nghiệm chơi Bộ bài tiếng Việt ngay tại Triển lãm Thẳm sâu trong từng kỷ vật. Nhiều em không khỏi lưu luyến, bạn Đinh Hải Anh và bạn Đinh Đức Minh chia sẻ trong sổ lưu bút ngày 19-2-2018: "Bộ bài ngôn ngữ là trò chơi gây ấn tượng nhất với em. Em mong sẽ có một ngày được chơi lại trò này".
Các em nhỏ thích thú mỗi lần lập được câu hay, đúng ngữ pháp khi chơi “Bộ bài tiếng Việt”
Để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, trong Chương trình Công viên Di sản – Chào hè 2018 kéo dài từ 25-4 đến 1-5-2018, đồng thời với hoạt động của Tuần lễ thư pháp và Lễ hội hoa hướng dương rực rỡ sắc vàng, Công viên và Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục mở cửa Triển lãm
Thẳm sâu trong từng kỷ vật[4] với trải nghiệm “Bài chơi tiếng Việt” hấp dẫn và lý thú.
Khách tham quan và nhà thư pháp Lê Dương Duyên, 25-4-2018
Nguyễn Thị Điệp
________________________
1 PGS.TS Trần Vĩnh Phúc, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Văn học và Đất nước học Nga, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
2 Tham khảo thêm Di sản ký ức của nhà khoa học (tập 5), Nxb Thế giới, Hà Nội, năm 2015, tr. 346-350.
3 Tài liệu “Bản giới thiệu Bộ bài ngôn ngữ và Domino của PGS.TS Trần Vĩnh Phúc”, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
4 Triển lãm Thẳm sâu trong từng kỷ vật mở cửa đón khách tham quan đến hết năm 2018.