Kính thưa GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Giao cùng bà Vũ Thị Quy, phu nhân của GS Nguyễn Ngọc Giao!
Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý!
Hôm nay là ngày rất đặc biệt, luôn luôn là như vậy đối với mỗi lần Trung tâm tổ chức lễ tiếp nhận tư liệu hiện vật của nhà khoa học. Trước hết, đây là buổi lễ thể hiện sự trân trọng của chúng ta đối với di sản của nhà khoa học, và cũng là dịp thể hiện sự trân trọng của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đối với niềm tin yêu của các nhà khoa học được bồi đắp suốt 10 năm qua. Song, với các cán bộ của Trung tâm chúng tôi, đây còn là một ngày hội lớn, bởi qua đó chúng tôi càng thêm tin tưởng vào định hướng của mình khi vị thế của Trung tâm ngày càng được khẳng định không chỉ với các nhà khoa học, mà với cả xã hội. Nhân đây, cho phép tôi chia sẻ thêm một chút về Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chính thức ra mắt tại Hà Nội vào tháng 9-2008. Nhiệm vụ của Trung tâm là sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của các tư liệu, hiện vật về lịch sử cuộc đời các nhà khoa học Việt Nam; khai thác các giá trị ấy trước hết thông qua việc giới thiệu, trưng bày về sự lao động sáng tạo của các nhà khoa học, về lịch sử phát triển của các ngành khoa học ở nước ta; trong tương lai đây sẽ là một trung tâm dữ liệu phong phú dành cho những người quan tâm nghiên cứu về nhiều khía cạnh khác nhau của lịch sử khoa học ở nước ta.
Sau 10 năm hoạt động, thành công lớn nhất của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam là được các nhà khoa học tin tưởng và được xã hội đánh giá cao. Trung tâm đã tiếp xúc được với hơn 1.300 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực và chuyên ngành khác nhau; đã sưu tầm được hơn 700.000 tài liệu hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập quý với số lượng lớn. Trung tâm cũng đã ghi được hàng trăm ngàn phút phim tư liệu phỏng vấn, ghi âm giọng nói và chụp ảnh các nhà khoa học, để phục vụ cho công tác lưu trữ và nghiên cứu sau này.
Tại TP HCM, kể từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã tiếp cận, nghiên cứu gần 100 nhà khoa học và sưu tầm được hàng vạn tài liệu của các nhà khoa học như: GS Lê Văn Thiêm, GS Trương Công Trung, vợ chồng PGS Lê Văn Sáu – PGS Bùi Thị Kim Quỳ, PGS Mạc Đường, GS Vũ Công Hòe, GS Hoàng Như Mai, GS Lê Đình Kỵ, GS.TS Bùi Khánh Thế, GS.TSKH Nguyễn Đình Ngọc, GS Trần Đại Nghĩa…
Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,
Trong không khí trang trọng của buổi lễ này, tôi và các cán bộ của Trung tâm Di sản các nhà khoa học VN rất vui mừng và xúc động. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là lần thứ hai chúng tôi tổ chức lễ tiếp nhận khối tài liệu hiện vật cá nhân của một nhà khoa học tại TP HCM. Lễ tiếp nhận khối tài liệu hiện vật của GS Nguyễn Ngọc Giao hôm nay là một sự kiện đặc biệt quan trọng, thêm một dấu ấn đối với lịch sử hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển mới đối với công tác bảo tồn di sản của các nhà khoa học.
Kính thưa quý vị,
GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Giao sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Cuối năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tốt nghiệp cấp 3, rồi tốt nghiệp khoa Vật lý, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Sau đó, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở trường Tổng hợp. Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao cho miền Nam, năm 1968 ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Matxcơva (mang tên Lomonosov). Tháng 1-1972, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, và sau khi trở về nước ông tiếp tục công tác tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
Tháng 9-1975, ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được cử về công tác tại trường ĐH Khoa học Sài Gòn, tiền thân của trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Ngoài công tác giảng dạy, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Chủ nhiệm khoa Vật lý; Hiệu trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh; Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM (đến năm 2002).
Trong hơn nửa thế kỷ, GS Nguyễn Ngọc Giao có nhiều cống hiến trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội. Những năm giảng dạy ở trường đại học, lĩnh vực mà ông đảm nhiệm rất rộng, từ các môn toán cho vật lý (đại số, giải tích, lý thuyết nhóm), các môn vật lý lý thuyết (lý thuyết trường, lý thuyết hạt cơ bản, trường hấp dẫn) đến triết học trong vật lý. Nhiều giáo trình do ông biên soạn được sinh viên sử dụng trong học tập, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. GS Nguyễn Ngọc Giao đã dành nhiều công sức cho nghiên cứu khoa học và đào tạo đội ngũ kế cận. Ông đã công bố trên 40 công trình về lý thuyết hạt cơ bản và vũ trụ học trên các tạp chí khoa học và tại các hội nghị khoa học.
GS Nguyễn Ngọc Giao rất coi trọng công tác phổ biến kiến thức khoa học cho quảng đại quần chúng. Trong lĩnh vực này, ông có nhiều công trình đã xuất bản, như: Tìm hiểu thế giới nguyên tử; Hạt nhân nguyên tử; Vũ trụ được hình thành như thế; Những điều kỳ thú về các hình thái hỗn loạn – chaos; Văn minh ngoài Trái Đất; Hạt cơ bản và vũ trụ; Thông tin, computer và thực tại Vật lý...
Trên cương vị quản lý, GS Nguyễn Ngọc Giao đã cùng lãnh đạo nhà trường đề ra nhiều chủ trương mới, nhằm đáp ứng yêu cầu và chất lượng đào tạo, như: thành lập khoa Đông phương học, khoa Công nghệ thông tin; thành lập hệ Phổ thông chuyên Toán – Tin học để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; tổ chức cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế của trường đối với các trường đại học trên thế giới. Cũng tại Đại học Quốc gia TP HCM, năm 2001 ông tham gia thành lập Trung tâm Đào tạo Quốc tế (CIE, nay đã chuyển đổi thành Viện Đào tạo Quốc tế – IEI) và làm Giám đốc Trung tâm đến năm 2007. Đây là Trung tâm tổ chức đào tạo đại học và sau đại học theo các hợp đồng ký kết giữa Đại học Quốc gia TP HCM và các trường đại học ở Australia, Pháp, Anh, New Zealand…
GS Nguyễn Ngọc Giao đã bước vào tuổi 80, nhưng chúng ta tin rằng ông còn cống hiến nhiều và lâu dài cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, cũng như cho các hoạt động xã hội khác.
Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các vị khách quý,
Khối di sản của GS Nguyễn Ngọc Giao, một thày giáo, một nhà khoa học tài năng và nhà hoạt động xã hội tận tâm, là rất lớn. Năm 2016, lần đầu tiên Giáo sư tiếp xúc và biết đến Trung tâm DSCNKHVN. Tin tưởng vào mục đích, tôn chỉ của Trung tâm, Giáo sư đã trao gửi những đứa con tinh thần của mình cho Trung tâm. Đặc biệt, Giáo sư là người đầu tiên gửi tài liệu của mình cho Trung tâm qua đường bưu điện. Chúng tôi vô cùng xúc động khi nhận được những tài liệu mà giáo sư đã lưu trữ trong nhiều năm, chứa đựng nhiều tâm huyết, nhiều tình cảm ông dành cho khoa học.
Đó là những quyển vở ghi chép bài giảng ở trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, trong đó ghi cả những bài giảng của GS Hoàng Tụy, GS Hoàng Phương và nhiều thầy giáo khác. Trong một cuốn sổ, khi ghi bài nói chuyện của GS Hoàng Tụy, ông đã viết: “Tuổi trẻ là tuổi vàng…”. Quả thực, đây là một bằng chứng phản ánh những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và không ngừng phấn đấu của ông cũng như những thế hệ sinh viên cùng thời với ông. Trong khối tài liệu của GS Nguyễn Ngọc Giao, có những bản ghi chép về vật lý vũ trụ, về vật lý lý thuyết…, tỏ rõ sự đam mê của ông về vật lý nói chung và chuyên ngành vật lý lý thuyết nói riêng. Bản dịch luận án phó tiến sĩ ở Liên Xô với những con chữ viết tay trên đủ loại giấy, đã bị ố vàng vì thời gian, là bằng chứng của một thời kỳ lịch sử. Có hàng trăm cuốn sách tiếng Nga ông đã dành dụm từ tiền sinh hoạt phí của mình để mua trong những năm làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô.. Khi trở về nước, hành lý của ông chủ yếu là sách. Những cuốn sách ấy mới đáng quý làm sao, khi nó không chỉ kể về câu chuyện làm nghiên cứu sinh, kể về câu chuyện nhịn ăn, nhịn mặc để làm công việc nghiên cứu của một thế hệ nhà khoa học nước ta.
Đó còn là hàng trăm bức thư ông trao đổi với những nhà khoa học, những bạn đồng nghiệp trong và ngoài nước, để bàn bạc về những vấn đề khoa học, giáo dục, vấn đề xây dựng và phát triển các ngành học ở trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Hàng trăm bản thảo viết tay, đánh máy cũ kỹ, ghi dấu những đêm dài ông miệt mài bên ngọn đèn để trăn trở với giáo án hay những công trình nghiên cứu của mình.
Còn nữa, còn nhiều tài liệu quý nữa của GS Nguyễn Ngọc Giao mà thời gian trong buổi lễ này không cho phép tôi nói tới. Đây không chỉ là một khối tài liệu lớn có giá trị để nghiên cứu về cuộc đời GS Nguyễn Ngọc Giao, để hiểu quá trình lao động cần cù, miệt mài, sáng tạo của một nhà khoa học tài năng và tận tụy, mà thông qua đó còn có thể nhìn rộng hơn về công tác nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, về sự phát triển của Đại học Quốc gia TP HCM, nơi ông gắn bó với tư cách là một thành viên xây dựng từ buổi ban đầu.
Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý,
Thay mặt Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Giao! Xin chúc Giáo sư, phu nhân Giáo sư và toàn thể gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống!
Kính chúc các vị đại biểu luôn mạnh khỏe, thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!
PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Giám đốc chuyên môn
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam