Thật xúc động, ông đã đứng ngoài cửa đón chờ các nghiên cứu viên. Qua cuộc trao đổi, chúng tôi đã hiểu hơn về ông, một con người nhiệt thành, tâm huyết với nghề nhưng rất tài hoa, lãng mạn. Có lẽ như vậy nên ông được rất nhiều người yêu mến, tôn trọng.
Kỹ sư, AHLĐ Nguyễn Xuân Bao hy vọng những tài liệu hiện vật
của mình sẽ giúp ích cho thế hệ sau
Kỹ sư Nguyễn Xuân Bao sinh năm 1935 tại Huế. Ông được học lớp chuyên viên địa chất đầu tiên của Việt Nam (1955). Tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1962, ông được cử về Đoàn 20 bản đồ địa chất. Tại đây, ông tham gia thành lập bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỉ lệ 1:500.000, sau đó hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng: Chủ nhiệm đề án Điều tra địa chất vùng Nậm Muội, Sơn La (1961-1965); Đề án Đo vẽ địa chất và tìm kiếm khoáng sản tỉ lệ 1:200.000 tờ bản đồ địa chất Vạn Yên Tây Bắc (1965-1969); Bản đồ địa chất Hòa Bình-Suối Rút (1970-1971)…; Đảm nhiệm cương vị Liên đoàn trưởng Liên đoàn địa chất số 6, phụ trách tổng hợp về điều tra địa chất khu vực miền Nam nước ta (1984-1995).
AHLĐ Nguyễn Xuân Bao giới thiệu tài liệu với nghiên cứu viên
và bổ sung thông tin trong hồ sơ khoa học theo mẫu của Trung tâm
Từ năm 2002 đến nay, ông vẫn tích cực tham gia giảng dạy ở trường ĐH Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh; viết sách, giáo trình về kiến tạo, phân tích bồn chứa dầu khí, trầm tích học. Với những công lao không nhỏ đó, kỹ sư Nguyễn Xuân Bao vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985. Thực sự tự hào khi năm 2005, công trình Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1: 500.000, do KS Trần Đức Lương và KS Nguyễn Xuân Bao đồng chủ biên được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ.
AHLĐ Nguyễn Xuân Bao rất cẩn thận tìm hiểu thông tin về Trung tâm, ông càng tin tưởng hơn khi biết các nhà khoa học uy tín ngành địa chất đã tặng các tư liệu cho Trung tâm lưu giữ. Buổi làm việc này, ông quyết định trao tặng toàn bộ tài liệu hiện vật gắn liền với hoạt động nghiên cứu, đào tạo của mình. Khối tư liệu này dự kiến khoảng 2000 tài liệu, bao gồm: bản đồ địa chất khoáng sản; các sổ ghi chép; các mẫu đá; bản thảo bài viết, công trình nghiên cứu, đề tài khoa học, sách chuyên môn, ảnh cho đến các văn bản hành chính về khoa học địa chất từ những năm 60 đến nay… Ông hy vọng các tài liệu này sẽ có ích đối với thế hệ sau muốn khai thác, học hỏi.
Lưu Thị Thúy