Thật thú vị, ông chào đón chúng tôi bằng những bản nhạc, bài hát Nga với những giai điệu trầm bổng như: "Tuổi trẻ sôi nổi"; " Đôi bờ"; "Cây bạch dương" hay chính những ca khúc do ông sáng tác và phổ nhạc "Chung bóng đường xa"; "Mộng mơ". Tất cả đều cho ông gợi nhớ kỷ niệm tươi đẹp về nước Nga, về tuổi trẻ nhiệt thành.
TS Trần Thanh Pôn với cây đàn accordion tại nhà riêng, Tp.Hồ Chí Minh, ngày 22-5-2018
TS Trần Thanh Pôn sinh năm 1940 ở Bạc Liêu, và là người dân tộc Khmer. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc học tập ở trường phổ thông dành cho học sinh miền Nam rồi học ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học ông nhận công tác giảng dạy ở một số nơi trong đó có ĐH Sư phạm Việt Bắc. Thời gian này ông có điều kiện tiếp cận, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của con em các dân tộc. Tuy nhiên muốn dạy thật hiệu quả cần đi sâu tâm lý giáo dục và tập quán văn hóa của người dân nên ông lăn lộn cùng đồng nghiệp đến những bản làng xa xôi tìm hiểu và giúp đỡ.
Năm 1970, ông hoàn thành luận án PTS tại Liên Xô về Giáo dục học dân tộc. Từ đó đến nay, ngoài công tác quản lý như: Trưởng phòng Giáo dục dân tộc của Văn phòng II Bộ Giáo dục tại Tp. Hồ Chí Minh; Trưởng Ban nghiên cứu giáo dục dân tộc của Viện Nghiên cứu giáo dục đào tạo phía Nam; Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh… ông còn công bố gần 100 công trình liên quan đến quản lý giáo dục; giáo dục dân tộc cho con em dân tộc thiểu số mà tiêu biểu là dân tộc Khmer. Ông trăn trở nhất là làm sao để giúp con em dân tộc mình có thể tiếp cận với kiến thức dễ dàng hơn khi sách vở, tài liệu đều là sách đơn ngữ, không có tiếng Khmer. Cuối cùng TS Pôn quyết định dành thời gian và công sức biên soạn các bộ sách song ngữ Việt – Khmer đầu tiên, đã được xuất bản năm 2017.
Bên một nhạc cụ truyền thống của người Khmer – chiếc trống Sadăm (Chhayyăm)
TS Trần Thanh Pôn trao đổi cùng nghiên cứu viên
Ngoài ra, ông đứng ra xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển dân tộc và nhân học Việt Nam – một địa chỉ kết nối lực lượng trí thức dân tộc với những anh em tâm huyết có tấm lòng từ thiện, trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, quyên góp hiện vật giúp đỡ vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Trong buổi làm việc, TS Pôn tìm lại nhiều kỷ vật ý nghĩa với cuộc đời ông để tặng Trung tâm như chiếc máy ảnh; trống Sadăm (Chhayyăm) của người Khmer; sổ ghi chép; cặp sách; sách chuyên môn, kính… ông là người cẩn trọng nên sẽ tự soạn thảo các tài liệu và mời cán bộ Trung tâm sẽ tiếp nhận trong thời gian tới.
Bước sang tuổi xế chiều nhưng TS Trần Thanh Pôn vẫn dành trọn tâm huyết cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Ông còn tâm nguyện muốn xây dựng trường học miễn phí cho học sinh dân tộc Khmer. Tất cả những điều đó khiến chúng tôi và mọi người rất trân trọng ông, người con của dân tộc Khmer.
Lưu Thị Thúy