”Nếu có kiếp sau tôi vẫn chọn Dân tộc học”





PGS.TS Phan An sinh năm 1944 tại Quảng Nam. Năm 1966, tốt nghiệp ngành lịch sử cổ trung đại, trường Đại họcTổng hợp Hà Nội, ông được phân về công tác ở Viện sử học. Sau đó, ông xung phong vào chiến trường miền Nam và trở thành phóng viên mặt trận. Chính trong thời gian này ông có nhiều cơ hội để tiếp cận, thích thú khi được khám phá văn hóa, những đóng góp của đồng bào các dân tộc như người Chăm, người Khmer… Năm 1976, chàng phóng viên Phan An trở về công tác tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Đây là môi trường hợp lý giúp ông có điều kiện tìm tòi nghiên cứu về văn hóa các dân tộc miền Nam Việt Nam.

PGS Phan An tiếp tục trao tặng tài liệu cho Trung tâm

và ký biên bản bàn giao với nghiên cứu viên của Trung tâm

Hơn nửa thế kỷ lao động và cống hiến, PGS.TS Phan An đã công bố gần 100 công trình, bài nghiên cứu về văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên, sông Bé, đồng bằng sông Cửu Long (người S'tiêng, Chăm, Hoa…) và các vấn đề nhân học xã hội. Đồng thời ông tích cực tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận văn, luận án cho các trường Đại học Hồng Bàng, Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh; Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Đại học Sư phạm Vinh hay Viện Khoa học xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh… và Hội đồng nghiệm thu đề tài ở các cơ sở của thành phố Hồ Chí Minh; Đồng Nai; Bình Dương; Trà Vinh…

PGS.TS Phan An cẩn thận xem lại các tài liệu trước khi trao tặng

Trong buổi làm việc này PGS.TS Phan An tiếp tục trao tặng gần 1000 tài liệu cho Trung tâm với nhiều tài liệu quý như: hàng trăm bản thảo bài viết, công trình nghiên cứu, tư liệu dân tộc học; sổ điền dã từ cuối những năm 70 đến nay; hàng trăm văn bản quyết định, thư mời tham gia hội thảo, hội đồng chấm luận văn luận án của ông ở các cơ sở trong cả nước… Đặc biệt trong đó có chiếc máy ảnh gắn liền với ông như người bạn đường trong suốt mấy chục năm điền dã dân tộc học.

Với PGS.TS Phan An: “Nghề dân tộc học đi nhiều, được khám phá những vùng đất mới rất thú vị đối với tôi. Đồng thời tôi được tiếp cận các dân tộc, sống và chia sẻ, được họ quý mến là điều trân quý. Dù ít nhiều tôi cũng đã cố gắng đóng góp hữu ích cho đồng bào dân tộc thiểu số, nơi mà tôi đã tiếp cận, có cơ hội tôi vẫn lựa chọn ngành này”.

 

Lưu Thị Thúy