Theo nghề bất đắc dĩ…





PGS.TS Vũ Trọng Khải sinh năm 1945 ở thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1963, tốt nghiệp trường phổ thông cấp 3 Thái Phiên (Hải Phòng), ông định nối nghiệp cha học luật sư nhưng nhận thấy bản thân rất thích và học tốt môn vật lý nên ông quyết định chuyển sang thi ngành Vô tuyến điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày nhận giấy báo, ông hụt hẫng được biết mình phải nhập học ở khoa Kinh tế nông nghiệp, trường Đại học Kinh tế tài chính (nay là Đại học Kinh tế quốc dân).

PGS.TS Vũ Trọng Khải chia sẻ thông tin với nghiên cứu viên Trung tâm

Chấp nhận phân công, ông đã cố gắng nỗ lực cống hiến sức lực và trí tuệ cho khoa học kinh tế nông nghiệp Việt Nam. PGS.TS Vũ Trọng Khải đã có gần 50 năm liên tục nghiên cứu giảng dạy về quản lý phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Trong đó có 15 năm công tác ở phòng Chính sách giá cả (Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp); 31 năm công tác tại trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tp. Hồ Chí Minh (1982 đến nay). Ông từng công bố hàng trăm bài viết, công trình liên quan đến Phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam; đổi mới kinh tế Việt Nam trên các tạp chí trong và ngoài nước như tạp chí “Nghiên cứu kinh tế”; “Nông nghiệp và công nghiệp”,…Trong đó có nhiều đề tài cấp Bộ, Nhà nước được nghiệm thu xuất sắc. Về đào tạo, PGS.TS Vũ Trọng Khải đề ra phương châm cho trường “nhất thể hóa quá trình: thực tiễn quản lý-nghiên cứu ứng dụng-tư vấn và giảng dạy”. Từ đó đến nay, phương châm này vẫn được đội ngũ cán bộ giảng dạy và sinh viên trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.

Ông tin tưởng, trao tặng nhiều tài liệu cá nhân cho Trung tâm lưu giữ

PGS.TS Vũ Trọng Khải bày tỏ cảm kích trước những công việc của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã và đang làm. Ông không ngần ngại khi quyết định trao tặng toàn bộ tài liệu hiện vật gắn liền với hoạt động quản lý, nghiên cứu khoa học và đào tạo của mình cho Trung tâm lưu giữ. Số lượng gần 1000 tài liệu hiện vật gồm sách chuyên môn do ông là chủ biên; bản thảo bài viết, bài nghiên cứu, đề tài; luận án, ảnh… đặc biệt phải kể đến các kỷ vật của người cha Vũ Trọng Khánh, nguyên Bộ trưởng Bộ tư pháp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Mặc dù theo nghề một cách “bất đắc dĩ” như cách PGS.TS Vũ Trọng Khải thường nói nhưng ông luôn có tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành các công việc, đóng góp thiết thực cho nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam.

Lưu Thị Thúy