PGS.TS Đỗ Văn Nhượng sinh năm 1950 tại Hà Nam, nguyên Phó trưởng khoa Sinh học, ĐHSP Hà Nội. Năm 1975, hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Sư đoàn 371, ông trở về khoa Sinh học, ĐHSP Hà Nội làm cán bộ giảng dạy. Thời sinh viên, ông đã ấn tượng với GS.TSKH Thái Trần Bái qua các bài giảng chuyên đề mang tính logic và khoa học về động vật đất. Để rồi năm 1994, ông hoàn thành xuất sắc luận án Phó tiến sĩ, đề tài “Khu hệ giun đất miền Tây Bắc Việt Nam” do chính thầy Thái Trần Bái hướng dẫn. Ông còn trở thành người kế nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu động vật đất do GS Thái Trần Bái sáng lập (1987). Không phụ sự tin tưởng của thầy, đến nay Trung tâm đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận, đào tạo 8 tiến sĩ, tham gia 11 đề tài cấp Trường, Bộ và nhà nước cùng các dự án hợp tác nghiên cứu với các nước trên thế giới. Các hoạt động của Trung tâm đã góp thêm vào kho tàng tri thức của thế giới động vật và giải quyết những nhu cầu thực tiễn của đất nước trong việc khai thác bảo vệ đất và cây trồng.
GS.TSKH Thái Trần Bái (trái) và học trò – PGS.TS Đỗ Văn Nhượng vui vẻ xem lại các kỷ vật gắn bó với thầy trò từ những năm 80
PGS.TS Đỗ Văn Nhượng chia sẻ: “Tôi thành công ngày hôm nay cũng nhờ học được nhiều điều ở thầy Bái.Trong đó có 3 điều sâu sắc nhất: Trung thực, nghiêm túc trong khoa học; say mê với nghề nghiệp; vượt khó trong mọi hoàn cảnh”.
Cuộc gặp gỡ này khiến chúng tôi cảm thấy rất thú vị. Nó như một gạch nối giữa hiện tại với quá khứ đầy yêu thương. Giờ đây, cả thầy và trò ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, họ cùng nghiêng mái tóc bạc về nhau và hồ hởi xem lại hàng chục kỷ vật gắn bó với tình thầy trò hơn 40 năm, trước khi trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Thật trân quý! Và chúng tôi nhận ra có lẽ sự tâm huyết với nghề chính là sợi dây gắn kết của tình thầy trò ấy.
Lưu Thị Thúy