15 câu chuyện
Người hâm mộ chụp ảnh với GS-TS Nguyễn Thị Hòe, người sáng chế sơn chống cháy và chống đạn. Ảnh: Trinh Nguyễn |
Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt không thể quên mình đã bật khóc thế nào khi máy biến áp 220 kV được lắp ráp hoàn thiện nhưng chưa ấn nút. “Tôi bật khóc vì chợt nghĩ nếu có sai sót, dù chỉ nhỏ nhất thì mọi công sức và hàng chục tỉ đồng đổ đi hết. Vì thế, mấy ngày sau, tôi không dám xuống nhìn máy nữa… Khi máy biến áp đóng điện thành công, tôi như trút bỏ được gánh nặng nghìn cân”, bà Nguyệt nhớ lại. Trước đó, khi bà bắt đầu nghiên cứu làm máy biến áp, chuyên gia Nga còn ái ngại vì ở Nga, 8 tiến sĩ hàng đầu mà phải làm đến lần thứ 4 mới thành công. Đóng điện thành công, thị trường chấp nhận sản phẩm, các đơn vị đến đặt hàng, công nhân có thêm việc làm và tăng thu nhập.
Hiện vật của triển lãm khoa học lại khá thô sơ và giản dị. Một chiếc lò sấy nông sản. Những chiếc khẩu trang tráng bạc. Nhíp, kéo y tế sử dụng mổ buồng trứng chuột. Chiếc túi xanh có chữ thập đỏ của những cô đỡ thôn bản vùng sâu vùng xa. Cuốn sổ tay ghi những nghiên cứu về thiết bị điện… “Chúng tôi không chọn những hiện vật hiện đại. Chúng tôi chọn những hiện vật giản dị và gần gũi mà các chị đã sử dụng. Họ đã nghiên cứu khoa học trong những hoàn cảnh bình dị”, bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ VN, nói. |
Có 15 câu chuyện ngân ngấn nước mắt vì hồi hộp, vì vui sướng như thế từ triển lãm Cháy mãi những đam mê tại Bảo tàng Phụ nữ VN (từ 16.10 đến hết năm). Triển lãm do Bảo tàng và Trung tâm di sản các nhà khoa học thực hiện để chào mừng ngày Phụ nữ VN 20.10. “Đó không phải là 15 người phụ nữ giỏi giang nhất nước. Nhưng đó là những người phụ nữ say mê khoa học, nghiên cứu khoa học và đóng góp cho cộng đồng. Toàn bộ trưng bày này đều nói lên thành quả đáp ứng nhu cầu thực tế của cuộc sống”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Trung tâm di sản các nhà khoa học, nói.
Triển lãm giới thiệu những người đã vô cùng nổi tiếng, có người bình dị hơn, nhưng họ đều có những danh hiệu mà cuộc đời trao tặng. “Có những tên nhân vật rất hay như Bà mẹ lúa, Bà mẹ nghìn con, Phù thủy rác… Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy cái đọng lại trong công chúng chính là linh hồn của nghiên cứu đó là gì. Nó không chỉ dừng trong khoa học đâu, mà còn được xã hội công nhận, được người ta gọi tên”, bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ VN, nhận định.
Bà mẹ lúa trong triển lãm là GS-TS Nguyễn Thị Lang. Bà gắn bó với nhiều vùng đất bằng những giống lúa mới. Trong đó có Bạc Liêu, nơi nông dân bỏ hết ruộng để nuôi tôm mà cuộc sống vẫn bấp bênh cực khổ. Bà nghiên cứu chất đất rồi trồng thử nghiệm giống lúa OM4900, kết quả cho năng suất 5 tấn/ha. “Từ đó tôi quyết tâm thuyết phục nông dân bỏ tôm trồng lúa. Ban đầu người dân khóa cửa không cho tôi vào. Tôi cứ ngồi ngoài nhất quyết không chịu về, cuối cùng họ đã chịu cho gặp”, bà nhớ lại. Sau đó, bà mang lúa xuống phát tận nơi, hướng dẫn gieo trồng. Ở Bạc Liêu giờ đây giống lúa này đã phủ 50% diện tích gieo trồng trong tỉnh.
Mệnh lệnh của trái tim
Nhiều nhà khoa học được giới thiệu trong triển lãm đã nhiều tuổi, nhưng họ vẫn làm khoa học, như đi theo mệnh lệnh của trái tim. “Tôi đang bước đi trên con đường khoa học mà chưa biết điểm dừng. Trước kia đi nhanh, nay già thì đi chậm hơn, mò mẫm hơn. Trước kia đi giữa đường thì bây giờ đi bên lề đường. Nhưng tôi không thể không đi”, PGS-TSKH Nguyễn Tuyết Minh chia sẻ. Suốt cả cuộc đời, bà gắn bó với việc làm từ điển Việt – Nga, Nga – Việt.
Có nhà khoa học, sau khi chạm đỉnh cao nghề nghiệp của mình lại chuyển hướng sang làm những việc mở rộng ảnh hưởng nghiên cứu. Chẳng hạn, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng – người rất nổi tiếng với việc thụ tinh ống nghiệm – giờ đã có thêm quan tâm mới là tổ chức hệ thống cô đỡ thôn bản. Theo ông Nguyễn Văn Huy: “Đóng góp lớn nhất của bà Phượng là thụ tinh ống nghiệm. Những đóng góp đó rất lớn và nổi tiếng. Nhưng bây giờ bà ấy đang bước tiếp một giai đoạn mới. Muốn rộng hơn. Đó là ý tưởng của một nhà khoa học. Và đó là đóng góp của nhà khoa học khi họ đã trưởng thành và muốn mở rộng đóng góp cho cộng đồng”.
Đến triển lãm, để thấy các nhà khoa học đã sát cánh cùng nông dân khi tìm cách làm máy sấy chống cảnh nông sản đổ đầy đường không có người mua. Cũng là họ đã nghiên cứu vật liệu chịu nhiệt để những chiến sĩ chữa cháy đỡ bị lửa táp tàn bạo. Cũng là nhà khoa học nữ đã nghiên cứu về rối loạn di truyền do dioxin, làm ra hệ thống biogas để không còn cảnh đốt rơm ở nông thôn nữa. Họ cũng tìm ra loại băng gạc cho những bệnh nhân kháng kháng sinh để tránh vết thương hoại tử… Có những nghiên cứu chỉ có thể là từ họ, những người phụ nữ gắn bó mật thiết cùng đời sống.
Trinh Nguyễn