Nơi chắp cánh tình yêu khoa học

Năm 1968, tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng chuyên ngành công trình cầu đường, nhưng Hoàng Xuân Lượng lại được phân công về Khoa Cơ khí, Bộ môn Cơ học vật rắn, Đại học KTQS (nay là Học viện KTQS). Sau những bỡ ngỡ ban đầu, cuộc sống thời chiến cuốn ông theo. Sáng lên lớp, buổi chiều, người thầy trẻ lại tiễn một vài học viên lên đường vào chiến trường. Những học viên của thầy ở tuổi 17, 18, vô tư, hồn nhiên lắm, ngoài giờ giảng vẫn thường níu áo thầy đòi kể chuyện tình yêu. Nhưng khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng xếp bút nghiên, tình nguyện nhập vào đoàn quân ra trận. Nhiều người trong số họ đã mãi mãi không trở lại giảng đường đại học, để lại niềm nhớ thương vô hạn đối với thầy giáo trẻ. Và anh đã dồn tất cả tâm huyết vào mỗi bài giảng, mỗi đêm miệt mài trong phòng thí nghiệm như làm thay cả phần việc còn dang dở của những người học trò.

 Đại tá, NGND, GS, TS Hoàng Xuân Lượng
Đại tá, NGND, GS, TS Hoàng Xuân Lượng. Ảnh: Khánh An

Năm 1968 cũng là năm đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, trường phải sơ tán về Hàm Yên, Tuyên Quang. Sáng lên lớp, chiều thầy trò thay nhau đi tăng gia sản xuất, cùng đi lượm rau, chặt măng rừng về cải thiện. Gạo tiêu chuẩn bảy lạng một ngày nhưng thức ăn thì chỉ có măng rừng chấm mắm tôm. Hoàng Xuân Lượng từ nhỏ khảnh ăn, chưa ăn mắm tôm bao giờ nên “nuốt chẳng vô”. Thấy vậy, mấy chị nuôi quân dúi vào tay anh món thịt hộp được Trung Quốc viện trợ, vốn là tiêu chuẩn dành cho người ốm. Nhưng Hoàng Xuân Lượng từ chối và quyết tập ăn như mọi người. 

Kỷ niệm mà GS Hoàng Xuân Lượng nhớ nhất chính là những ngày tháng rong ruổi trên các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa để nghiên cứu về chống xói lở. Ấy là năm 1993, qua đồng nghiệp, ông được biết về việc một số khu vực đường đi, bờ kè… trên đảo có hiện tượng bị xê dịch, sụt lở, biến dạng mà chưa có cách khắc phục. “Máu nghề” nổi lên, Hoàng Xuân Lượng trăn trở suy nghĩ. Các câu hỏi: Vì sao lại xói lở? Nguyên nhân ngoại sinh, nội sinh, nhân sinh là gì? Làm gì để khắc phục?… luôn thường trực trong thầy giáo Hoàng Xuân Lượng. Ông nghĩ, muốn trả lời các câu hỏi ấy, cách tốt nhất là đi thực tế. Vậy là ông đã đi gặp cấp trên, đề đạt nguyện vọng xin được ra Trường Sa.

Từ năm 1993 đến 2002, GS Hoàng Xuân Lượng cùng các cộng sự như: PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn; PGS, TS Vũ Quốc Trụ; PGS, TS Phạm Tiến Đạt, TS Phan Anh Tuấn… miệt mài bên các nghiên cứu, thí nghiệm ở quần đảo Trường Sa. Mỗi chuyến đi, có khi nằm bẹp trên tàu hai ngày, hai đêm liền nhưng đến các đảo ông lại tỉnh táo và hăng say làm việc quên cả thời gian. Khi thì cho khoan các mẫu san hô để mang về đất liền, lúc sóng to gió lớn mọi người vào nghỉ thì ông lại chạy ra ngoài để đo công suất, hướng gió… phục vụ công trình nghiên cứu. Những chuyến công tác thường mất hàng tháng trời, trở về ông lại nhờ bạn bè cung cấp các tài liệu của nước ngoài nghiên cứu, thiết kế những mét kè đầu tiên.

 Đại tá, NGND, GS, TS Hoàng Xuân Lượng (đứng giữa) chụp ảnh cùng đồng đội tại mốc chủ quyền ở đảo Đá Lớn, năm 1998
Đại tá, NGND, GS, TS Hoàng Xuân Lượng (đứng giữa) chụp ảnh cùng đồng đội
tại mốc chủ quyền ở đảo Đá Lớn, năm 1998.
Ảnh do nhân vật cung cấp.

Có lần, ông đã xin phép cấp trên được mang… 5 tấn san hô về đất liền để làm thí nghiệm đo tốc độ truyền sóng trong nền san hô. Ông chạy vạy đi xin cấp vật liệu hỗ trợ từ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, rồi nhờ Chủ nhiệm Bộ môn Đạn lúc bấy giờ là Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Thủy vận chuyển, bảo quản vật liệu đem về nơi thí nghiệm. Mãi đến năm 2011, 4 đề tài về Trường Sa của ông mới được hoàn thành trọn vẹn. Ông đã tìm ra quy luật của thủy thạch, thiết kế được những phương án tối ưu phục vụ các công trình ở Trường Sa. Trong đó, đề tài: “Tính chất san hô của một số vùng trọng điểm phục vụ kinh tế và an ninh quốc phòng” đã đưa ra bộ chỉ tiêu về tính chất san hô, được giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Sau khi báo cáo nghiệm thu thành công, các công trình kè chống xói lở được đưa vào thực hiện, góp phần củng cố an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Năm 2017 vừa qua, một tin vui đến với GS Hoàng Xuân Lượng và các cộng sự khi Cụm công trình chống xói lở cùng các công trình về Trường Sa được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ.


Phạm Thu Thủy

Nguồn: http://sknc.qdnd.vn