Tiếp cận NGND.PGS.Họa sĩ Nguyễn Thụ từ năm 2013, chúng tôi luôn ấn tượng với sự nhỏ nhẹ, hiền từ của ông. Trong những buổi trò chuyện ấy, ký ức dội về, có lúc ông chỉ mỉm cười trong im lặng, dường như muốn bỏ qua hết những thế sự vụn vặt thường ngày để giữ thật bình yên một cõi riêng cho sáng tạo. Ông cứ bước chậm rãi và an nhiên thả bút phơ phất như người thơ Đông phương trên bức tranh. Hôm nay cũng vậy, dù bước chân đi rất khó khăn nhưng ngay từ sớm, ông đã có mặt tại phòng triển lãm cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Có lẽ, được nhìn lại 60 bức tranh là “những đứa con tinh thần” của mình từ cách đây hơn nửa thế kỷ là hạnh phúc lớn nhất của ông.
PGS.Họa sĩ Nguyễn Thụ nhận hoa chúc mừng sinh nhật từ các học trò, 2018
Họa sĩ Nguyễn Thụ để lại dấu ấn trong sáng tác mỹ thuật chủ yếu ở loại hình tranh lụa và khắc gỗ. Với chất liệu lụa, “Ông thuộc thế hệ đầu tiên phát triển nền nghệ thuật tranh lụa Việt Nam. Ông có tình cảm sâu sắc với miền núi, tác phẩm của ông về miền núi có vẻ đẹp trữ tình, nên thơ với bút pháp phóng khoáng, bố cục thoáng và tinh lược, tạo được phong cách rất riêng”- Họa sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết.
Từ những năm 60, Nguyễn Thụ bắt đầu được chú ý qua loạt tranh khắc gỗ và chủ yếu đen trắng, phản ánh hiện thực cuộc sống của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Họa sĩ Trần Thức chia sẻ: “Nguyễn Thụ đi vào thế giới cái đẹp qua chất liệu dân tộc mà ông lựa chọn. Dù bất chợt tiếp xúc với tác phẩm nào của ông, cảm giác đầu tiên cũng như khi đã lắng xuống, ta nhận ra rằng, bao giờ ông cũng muốn trao cho người xem một vẻ đẹp tinh giản, trầm mặc đến no nê về cảm giác thanh bình, yên tĩnh, cái yên tĩnh của núi rừng, làng bản, nương rẫy vùng cao nguyên”.
Nhân dịp này, Trung tâm xin kính chúc PGS. Họa sĩ Nguyễn Thụ luôn khỏe mạnh, trường thọ để truyền lửa đam mê cho nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam.
Lưu Thị Thúy