Quang cảnh Công viên Di sản các nhà khoa học
Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam được xây dựng trên địa thế và cảnh quan rộng 34ha, với đồi núi, hệ thống cây xanh, lại nằm giữa không gian văn hóa Mường và vùng cam Cao Phong nổi tiếng. Đây là nơi di sản của các nhà khoa học được hội tụ và tỏa sáng.
Nơi di sản các nhà khoa học hội tụ…
Năm 2008, dự án Công viên Di sản chính thức khởi công xây dựng các hạng mục đầu tiên để chuẩn bị điều kiện và các cơ sở vật chất cho hoạt động bảo tổn và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học trong tương lai. Trong suốt hơn 10 năm qua, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) đã từng bước xây dựng nơi đây trở thành một công trình văn hóa kết hợp giữa khoa học, giáo dục và du lịch thông qua giá trị cốt lõi là di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Khách tham quan đạp vịt tại khu vực suối Quy Thủy
Tính tới thời điểm tháng 11-2019, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDS) đã thiết lập được hơn 1.700 phông lữu trữ của các nhà khoa học ở các chuyên ngành khác nhau, nâng tổng số tài liệu hiện vật sưu tầm lên con số hơn 800.000. Những loại hình tài liệu, hiện vật cũng rất phong phú, đa dạng, bao gồm các bản thảo sách, bản thảo bài giảng, nhật ký, thư từ, sổ công tác, văn bản hành chính, ảnh tư liệu… Đó đều là những vật chứng chứa đựng những thông tin, câu chuyện lịch sử ở những thời đoạn khác nhau.
Không chỉ có vậy, ký ức của các nhà khoa học cũng được ghi lại bằng máy ghi âm, ghi hình và trở thành những nguồn sử liệu quan trọng, góp phần tìm hiểu về lịch sử cuộc đời của các cá nhân, ngành khoa học và cả lịch sử của đất nước.
Kho lưu trữ tài liệu giấy tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Việc xây dựng ngân hàng dữ liệu về các nhà khoa học là thể hiện sự tôn trọng đối những đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam, đồng thời cũng là cách tôn trọng những giá trị của lịch sử và gìn giữ cho thế hệ mai sau.
… và tỏa sáng
Công viên Di sản hướng đến tổ chức hoạt động đa chức năng. Tuy nhiên, phần nội dung cốt lõi xuyên suốt tạo nên sự khác biệt chính là việc phát huy giá trị di sản thông qua các hoạt động trưng bày, tham quan, giáo dục nhằm giới thiệu những cống hiến, lao động khoa học vì cộng đồng xã hội của các thế hệ nhà khoa học Việt Nam.
Từ bước đầu thành công của trưng bày “Khát vọng, học hỏi và sáng tạo” tại Hà Nội (2014), tháng 11-2017, Trung tâm tiếp tục cho ra mắt công chúng trưng bày “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”. Trưng bày gồm 3 chủ đề: Học tập, lập thân, lập nghiệp; Đóng góp, cống hiến, hy sinh; Tình yêu – đôi lứa, gia đình, quê hương. Đằng sau mỗi kỷ vật chứa đựng những câu chuyện thú vị, là bằng chứng lịch sử phản ánh quá trình học tập, lao động và nghiên cứu khoa học.
Khách tham quan trưng bày "Thẳm sâu trong từng kỷ vật"
PGS Nguyễn Văn Hàm – nguyên giảng viên khoa Lưu trữ và Quản trị văn phòng, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN trong một lần tham quan trưng bày đã chia sẻ: "Mỗi lần đặt chân tới Công viên Di sản là thấy sự đổi thay, phát triển từng ngày, các tòa nhà lớn sắp hoàn thành và đi vào hoạt động đã thay đổi màu sắc và diện mạo nơi này. Một sự ngưỡng mộ đặc biệt về người sáng lập và những con người thầm lặng ngày đêm say sưa sưu tầm, lưu trữ tài liệu của các bậc tiền bối cho mai sau"[1].
Hai bộ sách của Trung tâm Di sản các nhà khoa học việt Nam: "Di sản ký ức của nhà khoa học" và "Những câu chuyện hiện vật"
Cùng với sứ mệnh sưu tầm, lưu trữ, bảo quản di sản các nhà khoa học, TTDS luôn hướng đến việc phát huy những di sản quý giá đó. Những kết quả nghiên cứu bước đầu của Trung tâm được công bố thông qua những bài viết đăng trên website, facebook, đặc biệt là, trong hai bộ sách “Di sản ký ức của nhà khoa học” (7 tập) và “Những câu chuyện hiện vật” (4 tập). Các ấn phẩm này chuyển tải những câu chuyện chân thực, sinh động và khách quan về các nhà khoa học, từ chuyện học tập, lao động khoa học ra sao, làm thế nào để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đến chuyện nghiên cứu, giảng dạy, đóng góp của họ.
Ngoài những cuộc trưng bày, triển lãm chuyên đề, TTDS còn chú trọng thực hiện những bộ phim tư liệu về các nhà khoa học, nhóm các nhà khoa học dựa trên hình ảnh, tài liệu và ký ức của nhà khoa học, gia đình nhà khoa học. Đáng kể trong vài năm qua, TTDS đã phối hợp với một số đơn vị thực hiện phim về GS Tôn Thất Tùng (y học), GS Lê Quang Long (sinh học), GS Phan Hữu Dật (dân tộc học), GS Nguyễn Văn Chiển (địa chất)….
Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam được lựa chọn làm bối cánh cho bộ phim LX51, 3-8-2019
Gần đây nhất TTDS phối hợp với VTV thực hiện bộ phim về đoàn cán bộ khoa học đầu tiên gồm 21 thành viên (LX51) được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng bí mật cử sang Liên Xô học tập vào năm 1951 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ đông đảo công chúng. Lần đầu tiên những bí mật của lịch sử được giải mã, đồng thời đây cũng là bộ phim đầu tiên có sự đánh giá khách quan về tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Thông qua đó, vai trò của các cán bộ khoa học được nhìn nhận một cách đầy đủ, chính xác hơn.
Từ những thể nghiệm trên, hướng tới CVDS sẽ xây dựng một Bảo tàng về các nhà khoa học Việt Nam. Đây là nơi sẽ tổ chức trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề nhằm giới thiệu về lịch sử cuộc đời, những nghiên cứu, đóng góp của các nhà khoa học trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Định hướng cho MEDDOM từ những ngày đầu, PGS.TS Nguyễn Văn Huy bày tỏ: "Bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam hứa hẹn có thể sẽ khai thác nhiều nội dung vô cùng phong phú, hấp dẫn và cập nhật với nhu cầu của cuộc sống đương đại"[2].
Trong tương lai, Công viên Di sản cũng sẽ là nơi tổ chức các hoạt động khám phá khoa học, trải nghiệm giáo dục di sản dành cho tất cả các đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Những hiện vật, câu chuyện được giới thiệu trong trưng bày giúp các em hiểu hơn về những đóng góp của các nhà khoa học, khuyến khích sự học hỏi, sáng tạo, vun đắp tình yêu, ước mơ với ngành nghề mà mình theo đuổi.
Công viên Di sản sẽ là nơi tổ chức các hoạt động khám phá khoa học, trải nghiệm giáo dục di sản dành cho tất cả các đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên
Ngoài công trình bảo tàng và kho lưu trữ, trong công viên sẽ có cả trung tâm thư viện. Việc chuẩn bị cho thư viện trong tương lai được xúc tiến bằng các hoạt động sưu tầm nhiều đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Đây sẽ là điểm đến cho tất cả công chúng, từ giới nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh, học sinh, sinh viên trên, cho đến khách du lịch và người dân trong và ngoài nước.
“Tổ ấm để quay về”
Trong thời gian qua, Công viên Di sản đã thực sự trở thành điểm hẹn của ký ức. Nhiều nhà khoa học và gia đình đã đến đây và chia sẻ ký ức về cuộc đời mình, về những người thầy của mình.
Đó hẳn là những tư liệu lịch sử quan trọng không chỉ liên quan đến bản thân họ mà còn là những dữ liệu lịch sử quan trọng để bổ sung cho những khuyết thiếu của các loại hình tài liệu khác. Họ đã tụ hội về đây để thăm lại những di sản của người thân, ôn lại những kỷ niệm của một thời sôi nổi, nhiệt huyết.
TS. Trần Hoàng (trước) cùng PGS.TS Nguyễn Minh Phương (sau) tham quan Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, 26-4-2019
PGS.TS Phạm Thượng Hàn chia sẻ: “Thật bất ngờ, giữa phong cảnh thiên nhiên hữu tình nên thơ, lại là nơi lưu giữ những ký ức của nhà khoa học, ký ức về những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc. Với chúng tôi, Công viên Di sản là tổ ấm, là nơi để về[3]”.
Với những người thuộc chuyên ngành Lưu trữ như PGS.TS Nguyễn Minh Phương lại có những đánh giá rất riêng: “Tài liệu hiện vật của nhà khoa học phong phú về loại hình, chuyên ngành và có giá trị lịch sử, văn hóa và giáo dục. Công viên vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng với không gian rộng lớn cùng nhiều khu vực tiểu cảnh đẹp, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của quý khách đến tham quan du lịch, học tập và trải nghiệm"[4].
Ngày 27-10-2019, gần 70 sinh viên của trường Đại học Y Hà Nội khóa 1976-1982 đã tụ hội về Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam để họp lớp
Công viên Di sản trong tương lai được kỳ vọng sẽ là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng di sản các nhà khoa học Việt Nam. Như định hướng của TTDS trong 10 năm tới là "đưa Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam trở thành một địa chỉ văn hóa độc đáo, một điểm đến hấp dẫn không những với nhân dân địa phương mà cả với công chúng cả nước cũng như du khách quốc tế"[5].
———————
[1] Sổ ghi lưu bút tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngày 24-10-2019. [2] PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn TTDS, Bài phát biểu tại Lễ khai trương Trưng bày “Chuyện nghề địa chất”, ngày 14-9-2019. [3] PGS.TS Phạm Thượng Hàn, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật đo và Tin học công nghiệp, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ghi lưu bút tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngày 16-9-2019. [4] PGS.TS Nguyễn Minh Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học văn thư lưu trữ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, ghi lưu bút tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngày 26-4-2019. [5] PGS.TS Nguyễn Văn Huy, ThS Trần Bích Hạnh, “Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam – 10 năm hình thành và phát triển”, Tạp chí Thế giới di sản, 8-2018 (143), tr.10.Bùi Đình Nam
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam