Tiếp nhận bảo vật nghiên cứu về mối





Qua giới thiệu của GS.TSKH Trương Quang Học, chiều ngày 3-3-2020, chúng tôi có dịp làm việc với PGS.TS Nguyễn Đức Khảm. Đúng giờ hẹn, nghiên cứu viên có mặt tại tư gia của ông ở ngõ 55 Hoàng Hoa Thám cũng là lúc cơn mưa nặng hạt trút xuống. Ông khá bất ngờ khi nghiên cứu viên chúng tôi đến rất đúng giờ: “mưa to thế này tưởng các em không đến”.

PGS.TS Nguyễn Đức Khảm trong buổi làm việc với cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, 3-3-2020

Kể về cơ duyên đến với nghiên cứu mối, PGS.TS Nguyễn Đức Khảm khẳng định “Nghề chọn mình”, bởi lẽ ông vốn đam mê ngành hóa học. Ấy vậy, khi đỗ vào trường Đại học Tổng hợp ông bị chuyển vào học ở khoa Sinh. Tại đây, ông may mắn được GS.TSKH Đặng Ngọc Thanh định hướng ý tưởng nghiên cứu chuyên sâu về côn trùng học, đặc biệt là loài mối – một đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao trong thực tiễn.

Năm 1961, tốt nghiệp đại học, ông được phân công về công tác tại Viện Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam tiếp tục hướng nghiên cứu về mối và cách phòng, chống. Hơn 10 năm nghiên cứu tập trung về mối, ông đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) đề tài “Mối ở miền Bắc Việt Nam” (1972). Để có thành công đó, PGS.TS Nguyễn Đức Khảm đã đi đến rất nhiều vùng của cả nước, lâm trường, xưởng gỗ… có khi đi bộ hàng trăm km đường rừng, ngủ qua đêm để tìm mẫu. Có lần, ông cùng các cộng sự suýt bị lũ cuốn đi trong chuyến tìm mẫu mối trên lâm trường Chiềng Khương, Sơn La… Cuốn tuyển tập các công trình nghiên cứu về mối (1960-2010) của PGS.TS Nguyễn Đức Khảm dày hơn 500 trang có thể thấy phần nào sự nỗ lực cả một đời cống hiến cho khoa học của ông.

Bộ mẫu tiêu bản về loài mối và tài liệu của PGS.TS Nguyễn Đức Khảm, 3-3-2020

Ngoài trời, cơn mưa rào nhẹ hạt hơn, những giọt nước trên mái hiên rơi tí tách vào những giỏ cây cảnh đâm chồi xanh mướt bên cửa sổ tầng 1. Quyết định trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam những bảo vật của mình, bằng ánh mắt tin tưởng, PGS.TS Nguyễn Đức Khảm chậm rãi : "Tôi đã đam mê, tâm huyết và cống hiến cho nghề. Giờ là nhờ Trung tâm lưu giữ “bảo vật” của tôi để truyền lại tình yêu ấy cho thế hệ trẻ. Như vậy tôi đã mãn nguyện!".

Lưu Thúy