Thành lập Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Tham dự Đại hội, về phía Hội Nữ trí thức Việt Nam có GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu (Chủ tịch Hội), TS Phạm Thị Mỵ (Phó chủ tịch Hội) và GS.TS Lê Thị Hợp, Ủy viên Ban chấp hành Hội). Về phía Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có GS.TS Nguyễn Anh Trí (Chủ tịch Hội đồng cố vấn MED GROUP) và 23 chị em nữ trong Trung tâm.

Ban chấp hành Hội Nữ trí thức Việt Nam

chụp ảnh kỷ niệm cùng Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Di sản các nhà khoa Việt Nam.

Đại hội bầu ra Ban chấp hành Chi hội, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Chi hội nhiệm kỳ 2020-2025. Báo cáo dự thảo mục tiêu, nhiệm vụ của Chi hội nhấn mạnh: Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Di sản thực hiện mục tiêu chung của Hội Nữ trí thức Việt Nam là tập hợp lực lượng nữ trí thức, kết nối nữ trí thức tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam với nữ trí thức trong MED GROUP và các nhà khoa học nữ mà Trung tâm đang tiếp cận nghiên cứu. Với tinh thần làm việc nghiêm túc và khẩn trương, Chi Hội Nữ trí thức TTDSCNKHVN đã bầu ra 3 thành viên trong BCH gồm: chị Trần Bích Hạnh – Chi hội trưởng, chị Khổng Thị Duyên – Chi hội phó, chị Phan Thị Tuyết – ủy viên.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu và GS.TS Nguyễn Anh Trí tặng hoa

chúc mừng Ban chấp hành Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 Tại Đại hội, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu nêu rõ: “Phần lớn các nhà khoa học nữ đều là thành viên của Hội nữ trí thức Việt Nam. Việc thành lập Chi hội Nữ trí thức TTDSCNKHVN tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết nối giữa Trung tâm Di sản với các nhà khoa học đó. Tôi rất hoan nghênh và trân trọng việc thành lập Chi hội Nữ trí thức TTDSCNKHVN, mong Chi hội duy trì, phát triển và có đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển của Trung tâm”.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu phát biểu tại đại hội

Trong bài phát biểu ngắn, GS.TS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí khẳng định sự cần thiết của việc thành lập Chi hội Nữ trí thức tại Trung tâm Di sản. Đồng thời, Giáo sư mong muốn sự phối hợp chặt chẽ giữa Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Di sản với Hội Nữ trí thức Việt Nam để góp phần vào sự phát triển chung trong việc nghiên cứu, giới thiệu về các nhà khoa học nữ.

Nhận nhiệm vụ từ Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chi hội trưởng Trần Bích Hạnh, đại diện Ban chấp hành Chi hội bày tỏ niềm tự hào, vinh dự khi Chi hội Trung tâm Di sản chính thức đứng trong hàng ngũ của Hội Nữ trí thức Việt Nam. Đại hội thành lập Chi hội sẽ đánh dấu sự phát triển mới của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đây là cơ hội để cán bộ nữ của Trung tâm học hỏi, mở mang kiến thức, kinh nghiệm sống, đồng thời là điều kiện thuận lợi để Trung tâm mở rộng nghiên cứu sưu tầm về các nhà khoa học nữ Việt Nam.

Vũ Thùy