Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Viện Mỏ – Luyện kim Krakow (Ba Lan) từ 1970-1974, ông Nguyễn Công Vân được thực hiện nhiều thí nghiệm trên các thiết bị hiện đại, trong đó có chiếc máy dãn nở kế – Dylatomet (TTP) do Pháp sản xuất. Đây là thiết bị dùng để nghiên cứu hiện tượng chuyển pha khi thay đổi nhiệt của kim loại và hợp kim ở thể rắn khi đó chưa có ở Việt Nam.
Năm 1974, ông Nguyễn Công Vân về nước công tác tại bộ môn Vật lý chất rắn, trường ĐH Bách khoa và phụ trách dạy môn công nghệ kim loại. Để có thiết bị chuyên ngành nghiên cứu hiện tượng chuyển pha của kim loại và hợp kim, ông đề xuất với Chủ nhiệm bộ môn – ông Vũ Đình Cự về ý tưởng thiết kế, chế tạo thiết bị dãn nở của kim loại.
PGS.TS Nguyễn Công Vân (phải) tặng tài liệu cho Trung tâm
Khi bắt tay vào nghiên cứu, ngoài 3 bộ giá gá mẫu bằng thủy tinh thạch anh xin được tại phòng thí nghiệm ở Krakow, ông Nguyễn Công Vân không có bản vẽ thiết kế cũng như tài liệu tham khảo. Ông phải lục trong trí nhớ để vẽ lại sơ đồ nguyên lý hoạt động của máy, xác định kích thước tổng thể và từng chi tiết máy cũng như tìm kiếm vật tư có thể tận dụng được trong kho của bộ môn.
Từ ý tưởng ban đầu và không có gì trong tay nhưng bằng óc sáng tạo và nền kiến thức về quang học, cơ học ông Nguyễn Công Vân đã chế tạo thành công chiếc máy dãn nở kế có độ chính xác cao sau hai năm tự nghiên cứu. Thiết bị này sau đó phục vụ hoạt động nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên ngành vật lý chất rắn. Nhờ thành công này ông được mệnh danh là “bàn tay vàng” của bộ môn.
Kết thúc buổi làm việc đầu tiên, PGS.TS Nguyễn Công Vân tặng Trung tâm gần 10 tài liệu gồm các đề tài khoa học, giáo trình, bài giảng ông đã thực hiện trong suốt thời gian công tác tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội (1962-2000).
Lê Nhật Minh