Chấp hành mọi nhiệm vụ

Tháng 2-1956, khi đang là y sĩ công tác tại Bệnh viện tỉnh Nam Định, ông Hoàng Đức Kiệt được cử tham gia khóa đào tạo đặc biệt về chuyên ngành X-quang. Nhận nhiệm vụ mới, ông không khỏi băn khoăn, bởi qua tìm hiểu ông biết đây là kỹ thuật mà khi thực hiện, các bác sĩ và kỹ thuật viên đều phải thường xuyên ở trong môi trường có nhiều tia X, về lâu dài sẽ gây hạ bạch cầu, biến đổi gen, ung thư và tác động di truyền đến các thế hệ sau. Nhưng như ông chia sẻ: Thế hệ chúng tôi đã quen với việc sống và làm việc theo tổ chức. Chúng tôi sẵn sàng chấp hành mọi nhiệm vụ do tổ chức phân công.

Bước vào lĩnh vực chuyên môn mới đầy khó khăn, ông Hoàng Đức Kiệt không chỉ tích cực học tập kiến thức mà còn ý thức sâu sắc việc tự bảo vệ mình bằng cách thường xuyên mặc áo bảo hộ và kiểm tra sức khỏe. Tháng 11-1956, kết thúc khóa học, ông tiếp tục về Bệnh viện Nam Định phụ trách khoa X-quang. Do công tác tốt, lại tích cực tự học nên năm 1959, ông được cử đi học đại học tại trường ĐH Y Dược khoa. Năm 1962, ông tốt nghiệp bác sĩ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh. Sau này, ông tiếp tục nâng cao kiến thức chuyên môn bằng việc tham gia khóa thực tập và làm luận án tiến sĩ tại CHDC Đức. Đặc biệt, năm 1988-1989, ông sang Pháp học và được mời làm bác sĩ thường trú… Quá trình ấy đã giúp ông tích lũy nhiều kiến thức chuyên môn và cập nhật các kỹ thuật hiện đại.

GS.TS Hoàng Đức Kiệt, chiều ngày 10-11-2020

GS Hoàng Đức Kiệt là người đưa nhiều kỹ thuật hiện đại của ngành chẩn đoán hình ảnh về Việt Nam như máy CT scan (1990), máy chụp cộng hưởng từ MRI (1996)… Hơn 60 năm gắn bó với nghề, ông đã công bố nhiều công trình nghiên cứu khoa học về: nghiên cứu chẩn đoán x-quang ống tiêu hóa kỹ thuật đối quang kép, x-quang chẩn đoán tim mạch, chụp cắt lớp vi tính toàn thân, chụp cộng hưởng từ sọ não và toàn thân… Những công trình này có ý nghĩa quan trọng với việc chẩn đoán đúng và điều trị bệnh cho bệnh nhân. Ngoài ra, ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh của Việt Nam.

Lê Thị Hằng