GS Lương Sỹ Cần (1928-2010) quê ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, sau khi tốt nghiệp trường phổ thông chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, ông nhập ngũ năm 1950 rồi công tác tại Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Liên khu IV. Năm 1952, ông được cử đi học tại trường ĐH Y ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Mới học xong năm thứ nhất, ông được điều động làm quân y sĩ đi tham gia chiến dịch Trung Lào. Sau khi miền Bắc được giải phóng, ông về Hà Nội tiếp tục học tại trường ĐH Y dược. Tháng 6-1958, ông tốt nghiệp và công tác tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai.
PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh (Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) nhận xét: GS Lương Sỹ Cần là một trong những người xây dựng và phát triển ngành Tai Mũi Họng nói chung, Bệnh viện Tai Mũi Họng nói riêng; là người định hướng phát triển về mặt khoa học kỹ thuật và con người để Bệnh viện Tai Mũi Họng và ngành Tai Mũi Họng phát triển được như ngày nay. Trên cương vị Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng Trung ương, GS Lương Sỹ Cần đã tiếp nối sự nghiệp của GS Trần Hữu Tước để phát triển các chuyên khoa sâu như tai, thính học, ung thư, mũi xoang, thanh quản… phù hợp với xu thế y học của thế giới. Ông lập ra phòng chỉ đạo tuyến, qua đó xây dựng cơ sở và đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ bác sĩ tai mũi họng ở các địa phương trên cả nước.
GS.TS.BS Lương Sỹ Cần là người đầu tiên đưa các kỹ thuật phẫu thuật tai vào Việt Nam, như: phẫu thuật tạo hình xương con, ứng dụng phương pháp vá nhĩ theo kỹ thuật kín để tạo hình tai giữa, phẫu thuật thay thế xương bàn đạp bằng Piston teflon. Ông cũng là người hoàn thiện và tiên phong sử dụng phương pháp vi phẫu thuật thanh quản phục hồi tiếng nói cho bệnh nhân dưới kính hiển vi. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu: bệnh lý tai và xương chũm, điếc và phẫu thuật điếc, thính học; bệnh lý dây thần kinh mặt, tiền đình học; thanh khí phế quản và thực quản; nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính. Ông là tác giả của 52 công trình khoa học được công bố trên các báo, tạp chí trong nước và quốc tế. Những công trình tiêu biểu có thể kể đến như: Điều trị chóng mặt Ménière bằng phương pháp gây thẩm thấu (1973), Điều trị co thắt nửa mặt vô văn (1974), Vi phẫu thuật thanh quản (1974), Vá nhĩ theo lối mổ phối hợp (1975), Bệnh lý giải phẫu bệnh xốp xơ tai (1980), Ghép đồng chủng màng nhĩ xương con (1980).
Trong công tác đào tạo, GS Lương Sỹ Cần chú trọng phát triển đội ngũ bác sỹ nội trú, đồng thời dành nhiều thời gian dịch tài liệu chuyên ngành để phục vụ hoạt động giảng dạy và đào tạo, như dịch cuốn sách Vi soi thanh quản và vi phẫu thuật nội thanh quản từ tiếng Đức sang tiếng Việt, tham gia dịch Từ điển Tai Mũi Họng 5 thứ tiếng sang tiếng Việt, tham gia dịch cuốn Khái luận về nhi khoa từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
Trong thời gian lãnh đạo Viện Tai Mũi Họng Trung ương, kiêm Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, GS Lương Sỹ Cần có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, như: Ủy ban II Hà Lan, tổ chức REI của Mỹ, tổ chức Y tế thế giới, tổ chức SIDA của Thụy Điển, quỹ Tai Mũi Họng nông thôn Thái Lan, hợp tác với ngành Tai Mũi Họng của Pháp trong đào tạo nội trú, đưa Việt Nam gia nhập Hiệp hội Tai Mũi Họng quốc tế (IFOS). Trong điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn do bị cấm vận, những nỗ lực của GS Lương Sỹ Cần mở rộng quan hệ hợp tác khoa học với các nước đã tạo điều kiện để ngành Tai Mũi Họng Việt Nam giao lưu, tiếp thu những kỹ thuật và kiến thức mới.
Ngay sau khi Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thành lập, GS Lương Sỹ Cần đã bày tỏ ủng hộ và muốn liên hệ với Trung tâm để trao tặng di sản cuộc đời mình, nhưng chưa kịp thực hiện thì ông đã về với thế giới người hiền. Sau khi ông qua đời gần 9 năm, Trung tâm mới có dịp làm việc với gia đình để sưu tầm những kỷ vật và thu thập những câu chuyện về cuộc đời của ông. Trong quá trình đó, gia đình ông đã tặng cho Trung tâm nhiều tài liệu, gồm các bản thảo, thư từ, văn bằng, giấy chứng nhận, lý lịch cá nhân…, đặc biệt là những tài liệu phản ánh quá trình học tập (giấy chứng nhận của Nha Trung học vụ, thẻ sinh viên, bằng tốt nghiệp đại học, đề cương thực tập sinh… từ những năm 50-60 của thế kỷ trước); một số bằng khen vì đã ứng dụng thành công các phương pháp phẫu thuật tai và thanh quản, giúp người bệnh nghe và nói được. Bên cạnh đó là tập hợp ảnh tư liệu về GS Lương Sỹ Cần trong việc phẫu thuật tai cũng như trong các công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế. Nhiều bức ảnh có giá trị lịch sử cả với Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Tại buổi lễ tiếp nhận này, gia đình và học trò của cố GS Lương Sỹ Cần sẽ tiếp tục bàn giao thêm những tài liệu, kỷ vật đã gắn bó với cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy của ông.
Trong tầm nhìn hướng tới xây dựng bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam, những tài liệu – hiện vật của GS Lương Sỹ Cần không chỉ phản ánh cuộc đời cùng sự nghiệp của ông, mà còn có giá trị để tìm hiểu về lịch sử chuyên ngành Tai Mũi Họng Việt Nam nói riêng, về lịch sử phát triển y học Việt Nam nói chung.
Đây lễ tiếp nhận tài liệu – hiện vật lần thứ 22 và là buổi lễ thứ hai trong năm 2020 do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thực hiện.
Kính gửi các Tòa soạn báo, Đài phát thanh, Đài truyền hình
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam trân trọng gửi Thông tin báo chí về Lễ tiếp nhận tài liệu kỷ vật của cố GS.TS Lương Sỹ Cần. Đây là một sự kiện có ý nghĩa trong việc nhận thức về di sản lịch sử cuộc đời của GS.TS Lương Sỹ Cần nói riêng, các nhà khoa học nói chung, cũng như trong việc bảo tồn và phát huy di sản các nhà khoa học trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Trân trọng cảm ơn các quý toà soạn quan tâm truyền thông!
GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN (Đã ký) PGS.TS Nguyễn Văn Huy |
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bà Nguyễn Thị Thành (ĐT: 0919 565 652; Email: [email protected])