Ngoài phong cảnh tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, Công viên Di sản còn có tòa nhà Quyển sách là nơi lưu giữ 800.000 tài liệu hiện vật của gần 2000 nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Tầng 2 của tòa nhà hiện đang tổ chức các hoạt động phát huy giá trị di sản khoa học. Bên cánh trái tòa nhà tổ chức trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” với chủ đề: Khoa học: Sáng tạo và Cống hiến, giới thiệu 14 công trình đạt giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam. Trưng bày diễn ra từ 29-08-2020. Bên cánh phải tòa nhà là triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” với chủ đề: Học tập, lập thân, lập nghiệp/ Đóng góp, cống hiến, hi sinh/ Tình yêu – đôi lứa, gia đình, quê hương. Tầng 3, 4 của tòa nhà là hệ thống kho tư liệu của các nhà khoa học.
Tháng 11, có nhiều đoàn khách là các nhà khoa học, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, học trò của nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành: Gia đình cố GS.TS Trần Văn Hà (Nông nghiệp); gia đình PGS.TS Hồ Bá Thuần (Công nghệ thông tin) và GS.NGND Nguyễn Kim Đính (Văn học); đoàn các nhà khoa học thuộc chuyên ngành Tai Mũi Họng; đoàn cựu sinh viên K17- khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (niên khóa 1972-1976); đoàn cựu cán bộ khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108…
Mỗi đoàn nhà khoa học đến với Công viên đều để lại những cảm xúc, dư âm khác nhau. Xin chia sẻ một vài cảm xúc của các nhà khoa học về chuyến tham quan tại Công viên:
“Tại gian trưng bày về các nhà khoa học đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi cảm động, thấy phần giới thiệu về GS.BS Đặng Văn Ngữ với phần trưng bày rất súc tích và cô đọng về sự nghiệp chống sốt rét của ông và công cuộc sản xuất penicillin trong kháng chiến. Cảm ơn Trung tâm rất nhiều, mong rằng những đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam sẽ là nguồn động viên cho thế hệ trẻ noi gương để xây dựng đất nước hùng cường” – Đạo diễn Đặng Nhật Minh (con trai GS Đặng Văn Ngữ), 11-2020.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh xúc động trước không gian trưng bày của cha – GS Đặng Văn Ngữ
“Thật đáng khâm phục, chỉ trong vòng 13 năm thời gian không dài mà trung tâm đã thu thập được tài liệu hiện vật của hàng nghìn nhà khoa học và tổ chức lưu trữ để lại cho các thế hệ. Thật là đáng quý. Trung tâm cần thiết kế các tour du lịch 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày và quảng bá rộng rãi để các nhà khoa học và con cháu được đến thăm công viên” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, 12-11-2020.
Đoàn 20 nhà khoa học các chuyên ngành trong chuyến tham quan Công viên ngày 12/11/2020
“Chúng tôi ấn tượng rất sâu sắc về ý tưởng xây dựng và thiết kế các hạng mục công trình trong công viên, với ý tưởng tôn vinh, lưu trữ, phổ biến và phát huy giá trị các hiện vật, bản thảo, công trình của các nhà khoa học đầu ngành Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng Công viên di sản các nhà khoa học sẽ ngày càng phát triển, mở rộng, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau” – PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (Trưởng ban liên lạc khoa Lịch sử K17, khóa (1972-1976).
Đoàn thầy – trò khoa Lịch sử K17, khóa 1972 – 1976, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
Đoàn các nhà khoa học, học trò, đồng nghiệp GS.TS Lương Sỹ Cần chuyên ngành Tai Mũi Họng
Đoàn cựu cán bộ khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Nguyễn Thành